|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Báo cáo tiêu dùng tài chính Hàn Quốc 2023: Có tới 13% người dân không tiết kiệm được tiền

02:00 | 30/12/2022
Chia sẻ
Cuộc khảo sát của HIF cũng cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc thì có 8 người đã đầu tư hoặc đã cân nhắc đầu tư vào tiền điện tử, phản ánh sự bùng nổ đầu tư trong vài năm qua.

Đặt mục tiêu tài chính là bước đầu tiên để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn song ở Hàn Quốc có 3/10 người được hỏi nói rằng đó là một “điều xa xỉ”. Số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy có tới 13% người Hàn Quốc thấy không thể tiết kiệm bất cứ thứ gì do chi phí của họ vượt quá thu nhập.

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn Báo cáo tiêu dùng tài chính năm 2023 dựa trên khảo sát 5.000 người trưởng thành trên toàn quốc do Viện Tài chính Hana (HIF) thực hiện và công bố ngày 29/12 cho thấy 86% trong số 4,89 triệu won (3.800 USD) thu nhập hộ gia đình trung bình hàng tháng được người dân "xứ Kim chi" sử dụng chi tiêu cho các chi phí cố định (bao gồm bảo hiểm và thanh toán thế chấp).

Do chỉ còn lại ít tiền sau khi trừ đi các khoản chi tiêu cố định này nên cứ 10 người được hỏi thì có 3 người không có mục tiêu tài chính: 17,9% nói rằng việc duy trì cuộc sống đơn giản là gánh nặng đối với họ, trong khi 13,4% cho biết họ không có mục tiêu tài chính. Tỷ lệ này đặc biệt cao trong “Thế hệ MZ” (sinh từ năm 1981 đến năm 2010) cho thấy những người trẻ tuổi không đủ khả năng để chuẩn bị cho tương lai.

Cuộc khảo sát của HIF cũng cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc thì có 8 người đã đầu tư hoặc đã cân nhắc đầu tư vào tiền điện tử, phản ánh sự bùng nổ đầu tư trong vài năm qua. Mặc dù họ chuyển sang đầu tư tiền điện tử với kỳ vọng thu được lợi nhuận đầu tư cao song cuối cùng đã dừng lại do thua lỗ phát sinh.

Cuộc khảo sát cho thấy 71,1% nhà đầu tư chịu khoản lỗ đầu tư hơn 10%, cao gấp 2,7 lần so với những người thu được lợi nhuận đầu tư hơn 10%. Tuy nhiên, chỉ có 4,3% các nhà đầu tư tiền điện tử nói rằng họ có nhiều kiến thức về tiền điện tử, phản ánh rằng hầu hết các khoản đầu tư của họ không khác nhiều so với những cá cược đơn giản.

Ngoài ra, báo cáo của HIF cũng cung cấp một số hiểu biết sâu sắc về ngành tài chính. Cụ thể, ứng dụng dành cho thiết bị di động đại diện cho kênh tài chính mà người tiêu dùng ở Hàn Quốc sử dụng nhiều nhất là dịch vụ ngân hàng, môi giới và bảo hiểm. Toàn bộ 82,1% số người được hỏi đã sử dụng ứng dụng ngân hàng dành cho thiết bị di động trong vòng 6 tháng qua, cao gấp 2,2 lần so với những người đã trực tiếp đến chi nhánh ngân hàng.

Trong khi 66,2% những người từng đến chi nhánh ngân hàng cho biết họ chỉ đến đó một lần mỗi quý, thì 84% người dùng ứng dụng di động cho biết họ sử dụng ứng dụng này ít nhất một lần một tuần.

Tuy nhiên, việc người dân sử dụng các ứng dụng không có nghĩa là các ngân hàng có thể đơn giản đóng cửa các chi nhánh của họ. Khi được hỏi tại sao lại sử dụng các kênh trực tiếp như chi nhánh ngân hàng, khách hàng cho biết họ tin tưởng và cảm thấy an toàn.

Điều này cũng phản ánh giá trị đặc biệt mà người dùng dành cho các kênh trực tiếp đó. Bên cạnh đó, giá trị này không chỉ được đánh giá cao bởi những người thuộc thế hệ “baby boomers” mà cả những khách hàng trẻ tuổi.

Những người được hỏi đã chọn sự ổn định tài chính, trung thực và tin cậy. Sau đó là sự xuất sắc của sản phẩm và sự tiện lợi của các kênh. Khi đăng ký các sản phẩm tài chính, họ hầu như không hài lòng với các thủ tục phức tạp và các điều khoản khó hiểu.

Họ cũng nhận thấy thời gian hoạt động bị hạn chế của các chi nhánh và trung tâm cuộc gọi là bất tiện, trong khi những người thuộc thế hệ “baby boomers” và Thế hệ X (những người sinh từ năm 1966 đến 1980) lo ngại về việc đóng cửa các chi nhánh.

Nhà nghiên cứu Yoon Sun-young của HIF cho biết thêm: “Nhu cầu hiểu và phản ứng nhạy bén với những người tiêu dùng tài chính đang thay đổi nhanh chóng thậm chí còn tăng lên trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nơi ranh giới giữa các lĩnh vực kinh doanh không còn nữa và suy thoái kinh tế khó dự đoán tương lai”.

Anh Nguyên