Bangladesh mở cửa trở lại hàng trăm nhà máy sản xuất hàng may mặc
Bangladesh đã mở trở lại hàng trăm nhà máy may mặc trong tuần qua sau gần một tháng đóng cửa để chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2, bất chấp nguy cơ dịch bệnh lây lan khi nước này ghi nhận thêm 571 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân lên 8.238 người với 170 trường hợp tử vong.
Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ Bangladesh quyết định cho phép các công ty mở cửa trở lại trước sức ép lớn từ các doanh nghiệp, đang lo ngại mất cơ hội kinh doanh vào tay các đối thủ cạnh tranh ở châu Á, trong đó có Campuchia, Sri Lanka và Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc nối lại sản xuất đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích rộng rãi vì có khả năng làm bùng phát mạnh các ca nhiễm trong công nhân.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), khoảng 850 nhà máy đang hoạt động với số lượng công nhân ít hơn bình thường và tuân theo các quy định hướng dẫn về an toàn, trong khi các nhà hoạt động và nhà phân tích hôm 1/5 ước tính khoảng 2.000 nhà máy may mặc đã tái khởi động sản xuất.
Được biết, có tới hàng chục nghìn công nhân đã đổ về thủ đô Dhaka và các khu công nghiệp lân cận để nhận lại việc làm.
Ông Mohammedad Abdur Razzak, một quan chức của BGMEA, khẳng định các thương hiệu toàn cầu đang vui mừng được thấy nhiều nhà máy ở Bangladesh mở cửa trở lại vì nếu không sẽ phải chứng kiến cả một mùa thua lỗ.
Ông lưu ý các nhà máy đang tuân thủ những hướng dẫn về y tế và chỉ có 4 trong số 105 nhà máy được kiểm tra không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn.
Trong khi đó, các nhà hoạt động công đoàn khẳng định nhà chức trách chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo an toàn cho 4 triệu công nhân làm việc tại khoảng 4.600 nhà máy may mặc trên toàn quốc.
Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Bangladesh, ông Ahsan H. Mansur nhấn mạnh cần ít nhất một tuần nữa để chuẩn bị tốt hơn cho việc mở cửa, vì có nguy cơ rất cao virus SARS-CoV-2 lây nhiễm bên trong các nhà máy.
Bangladesh là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Bangladesh đạt 34,12 tỷ USD, tương đương 84% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 40,53 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào ngày 30/6/2019.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin công nghiệp, Bangladesh có khả năng thiệt hại tới 6 tỷ USD doanh thu xuất khẩu trong tài khóa hiện nay do việc hủy đơn của các thương hiệu và nhà bán lẻ lớn trên thế giới, chủ yếu ở Mỹ và châu Âu.