|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

SCMP: Việt Nam, Bangladesh, Campuchia,... 'mỡ treo miệng mèo' thu hút thương hiệu thời trang nước ngoài dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang

14:47 | 07/11/2019
Chia sẻ
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung càng kéo dài, doanh nghiệp càng có động lực để dịch chuyển chuỗi cung ứng, trong đó Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, Indonesia là những địa điểm được nhắc đến nhiều kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu rời khỏi Trung Quốc.

Các thương hiệu thời trang trước nhiều nỗi lo

Bên cạnh xu hướng, các thương hiệu thời trang còn cần phải lưu tâm đến một số vấn đề nổi cộm trên thế giới hiện nay. Gần đây, giám đốc của không ít công ty trong ngành đã phải dành nhiều thời gian và công sức hơn dự kiến để xác định Tổng thống Trump sắp làm gì.

Ông Trump từng dự kiến tăng mức thuế đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% vào ngày 1/10 nhưng sau đó đã hai lần hoãn kế hoạch này.

d8b266c0-f3d7-11e9-87ad-fce8e65242a6_972x_111703

Việt Nam trở thành một lựa chọn phổ biến đối với nhiều thương hiệu thời trang muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Hàng trăm tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc cũng bị đánh thuế ở mức 15% kể từ ngày 1/9, phần lớn là hàng may mặc. Điều này đã gây ra một số vấn đề nghiêm trọng cho nhiều thương hiệu thời trang đang sản xuất hàng hóa tại đất nước tỉ dân và tiếp thị sản phẩm ở Mỹ.

Kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kì tổng thống, các thương hiệu thân quen như Uniqlo, Levi's, Crocs, Calvin Klein và Tommy Hilfiger đều đã chuyển toàn bộ cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Chính trị không phải là yếu tố duy nhất, mà chi phí lao động tăng và việc Trung Quốc ngày càng chần chừ không sản xuất hàng hóa giá rẻ đã thúc đẩy nhóm doanh nghiệp này dịch chuyển ngay cả trước khi chiến tranh thương mại nổ ra. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì về việc chính ông Trump đã tăng tốc độ rời đi của họ.

"Cộng đồng doanh nghiệp đang thực sự hoảng loạn", ông Sean Coxall, Chủ tịch phụ trách mảng giải pháp doanh nghiệp tại nhà cung ứng hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới - Li & Fung (Hong Kong) cho biết.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức, chúng tôi đã làm việc cùng các khách hàng quan trọng để chuẩn bị cho kế hoạch dự phòng. Theo tôi, bất kì công ty nào không làm điều này trước đây đều khá ngu ngốc. Ông Trump đã làm gần hết những thứ ông khẳng định sẽ làm, thế thì có lí do gì ông ta không đến được tận đây?

Ông Sean Coxall, Chủ tịch cao cấp tại nhà quản lí cung ứng Li & Fung, nhận định.

Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung càng kéo dài, doanh nghiệp càng có động lực để dịch chuyển chuỗi cung ứng, bất chấp nhiều rủi ro. Và rất ít doanh nghiệp xem Mỹ là điểm đến cuối cùng, trong khi đây rõ ràng là động cơ để ông Trump "khai hỏa" cuộc chiến.

"Tất cả công ty chúng tôi hợp tác cùng đều có chung tâm trạng lo lắng và hồi hộp, nhưng không ai đề xuất chúng tôi nên mở nhà máy ở Mỹ", ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA), cho hay.

"Mặc dù vậy, nhiều người cũng bày tỏ tâm trạng lo ngại vì quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng không thể diễn ra nhanh chóng như khi quyết định chính trị được đưa ra, và dù các thành viên của hiệp hội đã chuyển ra khỏi Trung Quốc từ lâu, khoảng 70% sản phẩm vẫn được sản xuất ở đó".

Còn những thương hiệu do Trung Quốc thiết kế có khách hàng ở thị trường Mỹ thì sao? Ngay cả khi Mỹ không phải là trọng tâm trong chiến lược của họ, liệu nhóm này có cần phải chuyển sản xuất ra nước ngoài để giữ chân khách hàng Mỹ không?

"Theo dữ liệu mới nhất chúng tôi nhận được, Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành thị trường thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2020, thế nên một số thương hiệu Trung Quốc nhất định sẽ không quan tâm đến chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ, vì Mỹ không còn là trung tâm của ngành", ông Weyan Lui đến từ công ty nghiên cứu thị trường L2 nhận định.

"Tuy nhiên, không nghi ngờ gì về việc bất kì thương hiệu Trung Quốc nào có lợi ích gắn liền với thị trường Mỹ đều sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến và lo ngại về tác động của một đợt tăng giá sản phẩm đến doanh số bán hàng của họ ở Mỹ".

Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, Indonesia "mỡ treo miệng mèo" để thu hút các thương hiệu thời trang

Đối với các thương hiệu thời trang quan tâm đến thuế quan, lựa chọn duy nhất là chuyển sản xuất ra nước ngoài và một số quốc gia châu Á đang "treo mỡ trước miệng mèo" để thu hút loạt doanh nghiệp này.

Việt Nam

Việt Nam từ lâu đã được xem là lựa chọn lí tưởng đầu tiên, đặc biệt là khi nói đến lĩnh vực giày dép, với một số lợi thế như thỏa thuận thương mại tự do với các nước thị trường mục tiêu như 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore.

ceadcb60-f3d7-11e9-87ad-fce8e65242a6_972x_111703

Một đôi giày của Uniqlo có nhãn "Made in Vietnam". (Nguồn: Alamy)

Công nhân lành nghề, và mặc dù mức lương tương đối cao so với khu vực (ở mức 216 USD/tháng), con số này cũng chưa bằng một nửa so với Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng ổn định; và không giống nhiều quốc gia trong khu vực, giá điện khá thấp nhờ trợ cấp của chính phủ.

Ông Coxall cho hay: "Việt Nam là một điểm đến tuyệt vời khi xét về mặt hàng hóa giá trị cao và rõ ràng là một thị trường sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc".

Vào thời điểm hiện tại, tôi nhận thấy Bangladesh có lợi thế về may mặc và Việt Nam có lợi thế về giày dép khi mà Việt Nam sản xuất lượng sản phẩm lớn hơn bất kì nước nào trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Sean Coxall, Chủ tịch cao cấp tại nhà quản lí cung ứng Li & Fung, nhận định.

"Việt Nam còn gia công sản phẩm giày dép chất lượng cao, đó là lí do tại sao Uniqlo chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất giày dép trong khi chủ yếu phụ thuộc vào Bangladesh cho gần như toàn bộ mặt hàng khác", Chủ tịch cấp cao của Li & Fung nói.

Bangladesh

Bangladesh vẫn đang nỗ lực để giải quyết những khó khăn trước đây từng bao trùm ngành công nghiệp chế tạo của họ. Đặc biệt, thảm kịch Rana Plaza, khi một nhà máy sụp đổ ở thủ đô Dhaka năm 2013 và giết chết 1.134 người, đã khiến các thương hiệu thời trang và khách hàng khó lòng quên được, mặc dù tiêu chuẩn an toàn đã được cải thiện đáng kể sau đó.

"Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều thương hiệu chuyển đến Bangladesh", ông Coxall nói. "Họ đào tạo lực lượng lao động và nhập khẩu máy móc mới, đắt tiền. Bangladesh là nơi mà nhà sản xuất có thể gia công mọi thứ: denim, jeans, giày dép,...Thậm chí, họ còn phát triển công nghệ laser để sản xuất jeans chất lượng cao".

Campuchia

Tiếp đến là Campuchia, nơi sản xuất quần áo chiếm 80% lợi nhuận thu được từ hoạt động xuất khẩu của đất nước và sử dụng nhân công nhiều hơn bất kì ngành nào khác. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ Campuchia đưa ra các chính sách để thu hút nhiều thương hiệu quốc tế hơn nữa.

Các chính sách ưu đãi bao gồm việc cho phép doanh nghiệp nước ngoài nâng tỉ lệ sở hữu lên 100% và miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc và thiết bị. Đồng thời, Campuchia còn có chia sẻ hệ thống cảng biển với Việt Nam, giúp vận chuyển và nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc dễ dàng hơn.

Campuchia cũng được hưởng lợi từ chính sách "Everything but Arms" (chương trình miễn thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa từ các nước kém phát triển nhập khẩu vào EU trừ vũ khí).

Indonesia

Ngoài ra còn có Indonesia. Jakarta đang triển khai một kế hoạch đầy tham vọng để số hóa ngành công nghiệp dệt may. Đây là một chính sách quan trọng nhằm đáp ứng mục tiêu của chính phủ là biến Indonesia trở thành một trong năm nhà sản xuất hàng may mặc hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Jakarta lên kế hoạch hoàn thành mục tiêu thông qua đầu tư vào máy móc chất lượng cao, đào tạo lực lượng lao động và hợp tác cùng nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng các nhà máy mới, được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI).

Chính phủ Indonesia còn từng mạnh dạn chia sẻ tham vọng dẫn đầu cuộc chơi với công nghệ quét 3D - một sản phẩm AI có liên quan đến mạng 5G. Cụ thể, khách hàng có thể gửi bản quét 3D số đo và nhận về quần áo vừa vặn với cơ thể.

Các nước này cung cấp rất nhiều cơ hội mới nhưng cần phải lưu ý rằng không địa điểm nào có thể dễ dàng thay thế ưu thế sản xuất của Trung Quốc và các thương hiệu thời trang cần phải chấp nhận việc nguồn cung sản phẩm sẽ đến từ nhiều nơi trong tương lai.

"Theo tôi, không có một quốc gia nào có thể thay thế vai trò của Trung Quốc trong ngành may mặc toàn cầu", một chuyên gia cho hay.

"Tôi nhận thấy các thương hiệu thời trang muốn rời Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn về mặt logistics trong quá trình tìm kiếm nhà cung ứng mới ở nhiều quốc gia, nơi có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của họ".

Yên Khê