|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

4 biểu đồ cho thấy năng lực sản xuất của Việt Nam chưa sánh được với Trung Quốc

15:41 | 29/10/2019
Chia sẻ
CNBC đã tổng hợp 4 biểu đồ cho thấy một số nút thắt nhất định hiện đã hình thành trong nền kinh tế và có thể hạn chế khả năng tiếp nhận nguồn vốn cũng như chuỗi sản xuất bổ sung từ Trung Quốc sang của Việt Nam.

Là một thị trường cận biên (frontier market) tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam thường được nêu đích danh là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Trong hơn một năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lần lượt áp thuế quan trừng phạt lên hàng tỉ USD hàng hóa của nhau, khiến mối quan hệ thương mại song phương suy sụp.

Do đó, Mỹ và Trung Quốc đều phải tìm nguồn cung hàng hóa thay thế từ các thị trường khác, trong khi nhiều nhà sản xuất từng "đóng đô" ở Trung Quốc phải chuyển hoạt động sang cơ sở mới để tránh thuế quan trừng phạt.

Việt Nam là một địa điểm yêu thích để doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển dòng chảy thương mại và chuỗi sản xuất như vậy.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng một số nút thắt nhất định đã hình thành ở Việt Nam và chúng có thể hạn chế khả năng tiếp nhận nguồn vốn cũng như chuỗi sản xuất bổ sung của quốc gia Đông Nam Á này.

CNBC đã tổng hợp 4 biểu đồ đánh giá khả năng Việt Nam thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo.

Tăng trưởng xuất khẩu

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một lí do đằng sau tình trạng suy yếu trong hoạt động xuất khẩu của nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam lại đi ngược xu hướng này.

1

Khi Trung Quốc mất thị phần trong xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Việt Nam đã thế chân vào. (Ảnh: CNBC/Hải quan Trung Quốc, Hải quan Việt Nam, Refinitiv

Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, trong đó đóng góp quan trọng nhất là khối lượng đơn hàng xuất sang thị trường Mỹ.

"Rõ ràng, khi Trung Quốc mất thị phần trong xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Việt Nam đã thế chân vào", ông Euben Paracuelles, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Nhật Bản Nomura, cho hay trên CNBC hồi đầu tháng này.

Một số chuyên gia thương mại nhận định hàng hóa Trung Quốc đã được chuyển đến Việt Nam, dán nhãn "Made in Vietnam" và vận chuyển đến Mỹ để tránh thuế quan tăng cao.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khiến doanh nghiệp bắt đầu hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đẩy nhanh một xu hướng đã hình thành từ nhiều năm trước khi mà chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng cao, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm các cơ sở sản xuất rẻ hơn.

Các doanh nghiệp nước ngoài từng tuyên bố sẽ bắt đầu hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Công ty Trụ sởSản phẩmTình trạng
KyoceraNhật BảnMáy inĐã hoàn thành
Samsung Hàn QuốcSmartphoneĐã hoàn thành
SharpNhật BảnPC Đã hoàn thành
Fast RetailingNhật BảnDệt may Đang diễn ra
GoerTekTrung QuốcThiết bị đeo tayĐang diễn ra
Guizhou TyreTrung QuốcLốp xeĐang diễn ra
HL CorpTrung QuốcLinh kiện xe đạpĐang diễn ra
RicohNhật BảnMáy inĐang diễn ra
TCLTrung QuốcTV Đang diễn ra
DellMỹMáy tínhĐã lên kế hoạch
Man WahHong KongĐồ nội thấtĐã lên kế hoạch
NintendoNhật BảnMáy chơi gameĐã lên kế hoạch

"Mặc dù không thể xảy ra trường hợp hàng loạt doanh nghiệp từ Trung Quốc ồ ạt di dời, các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sang các khu vực khác ở châu Á để giảm thiểu tác động của tranh chấp thương mại", Đơn vị Tình báo Kinh tế nêu ra trong một báo cáo.

Sản lượng công nghiệp

Một lí do tại sao các nhà sản xuất khó có thể rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn là qui mô lớn của ngành sản xuất cũng như nền kinh tế Trung Quốc, vốn cho phép doanh nghiệp hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn.

2

Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu sản lượng công nghiệp toàn cầu. (Ảnh: CNBC/World Bank, OECD, CNBC)

Được nhiều chuyên gia xem là một trong những địa điểm thay thế tốt nhất cho Trung Quốc, Việt Nam đã nhận thấy một số nút thắt xuất hiện trong nền kinh tế nội địa, mặc dù tỉ lệ trong sản lượng công nghiệp toàn cầu của Việt Nam còn tương đối nhỏ.

Ông Cedric Chehab, nhà quản lí cấp cao của Fitch Solutions, nhận định rằng trên thực tế, không một quốc gia nào "có thể thực sự tiếp nhận toàn bộ sản lượng" của số doanh nghiệp muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.

Nút thắt vốn nhân lực

Theo Fitch Solutions, một hạn chế lớn ở Việt Nam là thiếu vốn nhân lực (human capital), hay nói cách khác là giá trị kinh tế của lực lượng lao động gồm các yếu tố như trình độ học vấn, kĩ năng và sức khỏe.

Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, nhưng qui mô lại nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.

3

Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, nhưng qui mô lại nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc. (Ảnh: CNBC/Tổ chức Lao động Quốc tế, World Bank)

"Nếu nhìn vào Việt Nam, dân số của nước này thua Trung Quốc 14 lần, do đó nguy cơ thiếu hụt lao động cũng cao hơn so với đất nước tỉ dân", ông Kenny Liew, một nhà phân tích tại Fitch Solutions, phát biểu trong một hội nghị tổ chức đầu tháng 10.

Tăng trưởng GDP cao hơn

Tuy nhiên, sự gia tăng của dòng chảy thương mại và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế cao hơn, đi ngược với xu hướng tăng trưởng chững lại trên toàn cầu.

4

Trong khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc chững lại, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận kết quả tốt. (Ảnh: CNBC/World Bank, OECD)

Xét theo tổng thể, nền kinh tế Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, vốn là nền kinh tế lớn thế hai thế giới. Điều đó đặt ra giới hạn lên khả năng thay thế Trung Quốc, trở thành cơ sở sản xuất qui mô lớn của Việt Nam.

Yên Khê