|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Bảng giá đất mới của TP HCM cao nhưng phản ánh đúng thị trường'

14:49 | 15/08/2024
Chia sẻ
Theo Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất, giá đất trong dự thảo bảng giá đất mới của TP HCM tuy được cho là khá cao nhưng phản ánh đúng thị trường, căn cứ vào nguyên tắc thị trường.

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Theo dự thảo bảng giá đất được Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM lấy ý kiến vào cuối tháng 7 (dự kiến áp dụng từ 1/8 đến hết năm 2024), giá đất nhiều tuyến đường cao gấp 10 - 20 lần so với trước đây, có nhiều nơi vượt 50 lần như ở khu vực Hóc Môn. Dự thảo bảng giá đất này đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.

Tại Hội thảo “Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan” do Tạp chí Thương gia tổ chức, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết một điểm mới của Luật Đất đai 2024 so với Luật Đất đai 2013 là quy định về khung giá đất đã được loại bỏ. Luật mới ban hành bảng giá đất hàng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.

Cụ thể, UBND tỉnh có trách nhiệm trình HĐND quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

"Dự thảo Bảng giá đất mới của TP HCM theo đánh giá của tôi tuy mức giá được cho là khá cao nhưng phản ánh đúng thị trường, căn cứ vào nguyên tắc thị trường. Mức giá phải được giải quyết đồng bộ, đảm bảo sự rạch ròi, minh bạch giữa thu về và mức giá bồi thường cho người dân", ông Chính nói.

Cũng theo vị này, trong thời gian vừa qua, nhiều dự án bất động sản không triển khai được do ách tắc từ công tác định giá đất. Thực tế, giá đất được tính từ thời điểm giao đất cho người dân và hoạt động thuê đơn vị định giá cũng không hề dễ, nên việc định giá dễ chậm triển khai.

"Do đó, khi làm luật, chúng tôi đã đưa những khó khăn này để vào nghiên cứu, tìm ra giải pháp. Về mặt giá phải thực hiện đúng nguyên tắc thị trường thể hiện qua sự thu thập các thửa đất trên địa phương đó, nhằm đảm bảo định giá đất đúng. Tôi cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, cần đảm bảo hài hoà, vì giá đất còn để căn cứ thu thuế sử dụng đất của người thuê đất", ông Chính cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng cả Luật và các Nghị định hướng dẫn luật còn mới nên các cơ quan và địa phương hiện nay vẫn trong quá trình nghiên cứu thực hiện, không tránh được lúng túng. Vì vậy bảng giá đất cảu TP HCM mang tính chưa chính thức, mới là dự thảo.

"Tôi cho rằng việc phổ biến, hướng dẫn thực hiện liên quan giá đất cần sớm có hoạt động tập huấn cho cán bộ chính quyền các địa phương. Hiện tượng bảng giá đất của TP HCM khiến mọi người ngạc nhiên vì rất cao. Tại Hà Nội thì bảng giá đất thấp quá trong khi đấu giá thì cao. Vì vậy tôi cho rằng tất cả phải quy về thị trường và để thị trường quyết định, không nóng vội. Ngoài ra, cần bổ sung xây dựng chỉ số giá đất, giá bất động sản, đây sẽ là cơ sở tham chiếu tốt nhất cho việc xác định giá tốt hơn", chuyên gia nhận định.

Nguyễn Lê

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.