|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bảng giá điều chỉnh tác động đến 80.000 hộ dân bị thu hồi đất

17:07 | 28/08/2024
Chia sẻ
Bảng giá đất điều chỉnh nếu áp dụng sẽ có 80.000 hộ dân bị thu hồi đất để làm các dự án được bồi thường với giá tốt hơn, theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nội dung được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM nói tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 28/8, khi thông tin về dự thảo bảng giá đất điều chỉnh.

"Đơn giá bồi thường sẽ được tính toán hợp lý khi căn cứ vào bảng giá đất điều chỉnh, các dự án trước đây người dân không đồng tình giờ đã có căn cứ giải quyết. Dự kiến, 80.000 trường hợp bị thu hồi đất, mức giá mới sẽ được đa số người dân đồng tình", ông Thắng nói.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã xây dựng và đang lấy ý kiến dự thảo bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024. Theo đó, giá tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5-10 lần, một số nơi thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần). Sở này cho rằng nếu tính cả hệ số K, so với Quyết định 02 của thành phố ban hành năm 2020, giá đất tăng khoảng 2,5 lần và tiệm cận với thị trường khi được tính toán bằng khoảng 70%.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo ông Thắng, bảng giá đất theo Quyết định 02 kế thừa từ bảng giá áp dụng năm 2014 và bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ nên mức tối đa mỗi m2 chỉ là 162 triệu đồng. Như vậy, bảng giá này 10 năm chưa được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn thành phố.

Do vậy, trên thực tế, trước đây một số dự án khi thực hiện thu hồi đất, thành phố sẽ có quyết định giá bồi thường riêng (căn cứ vào giá thị trường), để bồi thường.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường dẫn ví dụ mỗi m2 tại vị trí đường Song hành Quốc lộ 22, giá đất theo Bảng giá của Quyết định số 02 là 780.000 đồng, khi nhân hệ số K thì được 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, giá bồi thường được thành phố phê duyệt là 39,576 triệu đồng. Đây cũng là giá được đưa vào bảng giá đất điều chỉnh.

Hoặc khi thực hiện các dự án Vành đai 3, ông cho biết TP HCM có quyết định thu hồi đất của người dân, tính giá bồi thường dựa trên thị trường và nhận được sự đồng thuận cao. Giờ đây, khi thực hiện bảng giá điều chỉnh, mức giá bồi thường này được đưa vào để phù hợp với thị trường, quy định pháp luật lại bị phản ứng vì cho rằng người dân chuyển mục đích sử dụng phải đóng tiền nhiều hơn.

"Không thể có bất cập cùng một khu vực nhưng khi làm nghĩa vụ này thì giá khác mà nghĩa vụ kia giá khác", ông Thắng nói.

Khu nhà ổ chuột cạnh rạch Xuyên Tâm ngập rác thải, năm 2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Do đó, bảng giá điều chỉnh ra đời để đảm bảo rằng khi người dân được bồi thường, nhận suất tái định cư hay chuyển mục đích sử dụng đều chung một bảng giá. Điều này giúp đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua, doanh nghiệp làm dự án bất động sản khi thỏa thuận mua lại đất của dân, thương lượng đôi bên thường không có tiếng nói chung. Bởi căn cứ lúc này là giá thị trường nhưng người dân lại đề mức quá cao, doanh nghiệp dựa vào phương pháp thặng dư đưa ra một mức giá khác.

"Khi có bảng giá điều chỉnh được xây dựng dựa trên các giao dịch trên thị trường, giá bồi thường đã được chính quyền quyết định, hai bên sẽ có cơ sở để thỏa thuận", ông chia sẻ.

Trước đó, tại cuộc họp kinh tế, xã hội đầu tháng 8, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thông tin hai dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi có nguy cơ chậm tiến độ, chủ yếu liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu tập trung làm hai dự án vẫn đảm bảo tiến độ, đặc biệt khi áp dụng giá bồi thường mới để chi trả, hỗ trợ cho người dân.

Ngoài Rạch Xuyên Tâm, bờ bắc kênh Đôi, TP HCM đã và đang làm nhiều dự án lớn phải thu hồi đất của nhiều hộ dân như bờ nam kênh Đôi, chỉnh trang kênh, rạch, mở rộng nhiều tuyến đường...

Chủ tịch UBND TP HCM kỳ vọng với giá đất điều chỉnh mới sẽ thúc đẩy công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhận được sự đồng thuận của người dân, giúp dự án đạt được tiến độ, đặc biệt trong bối cảnh tiến độ giải ngân đầu tư công ở thành phố đang gặp nhiều vướng mắc.

TP HCM đã lập Hội đồng thẩm định để đánh giá, xem xét bảng giá đất điều chỉnh trước khi được UBND thành phố có quyết định áp dụng. Bảng giá này nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025, nhưng cuối năm nay, thành phố vẫn đánh giá lại để phù hợp tình hình kinh tế.

Từ đầu 2026, TP HCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024. Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026 sẽ theo quy trình khác và bắt buộc phải được HĐND TP HCM thông qua.

Lê Tuyết