TP HCM lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất
Theo quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định bảng giá đất vừa được UBND TP HCM ban hành, người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Phan Văn Mãi, làm Chủ tịch hội đồng; hai phó gồm Phó chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải. Các thành viên còn lại là giám đốc các sở ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cùng một số chuyên gia.
Lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất của TP HCM là một trong những bước quan trọng theo quy trình để địa phương này ban hành được bảng giá điều chỉnh. Trong các phiên họp, Hội đồng sẽ mời Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Nông dân thành phố tham gia phản biện.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã xây dựng và đang lấy ý kiến dự thảo bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024. Theo đó, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5-10 lần, một số nơi thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần). Sở này cho rằng nếu tính cả hệ số K, so với Quyết định 02 của thành phố ban hành năm 2020, giá đất tăng khoảng 2,5 lần và bằng 70% mặt bằng thị trường.
Phía Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, do đây là Bảng giá đất điều chỉnh nên quy trình thực hiện theo Điều 17 của Nghị định 71/2024 quy định về giá đất. Theo đó, dự thảo bảng giá đất điều chỉnh sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến sẽ trình Hội đồng thẩm định của thành phố. Sau đó, UBND TP HCM sẽ phê duyệt. Bảng giá này nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025, nhưng cuối năm nay, thành phố vẫn đánh giá lại để phù hợp tình hình kinh tế.
Từ đầu 2026, TP HCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024. Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026 sẽ theo quy trình khác và bắt buộc phải được HĐND TP HCM thông qua.
Theo quy định, Hội đồng thẩm định giá đất sẽ xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ định giá đất cũng như việc tuân thủ nguyên tắc, áp dụng các phương pháp định giá do đơn vị xác định giá đất đề xuất... Hội đồng thẩm định cũng sẽ xem xét tính tác động của việc chuyển nhượng, cho thuê, lợi nhuận nhà đầu tư, chi phí thực tế phổ biến của các dự án tương tự đối với trường hợp áp dụng phương pháp thặng dư...
Trong hai tháng qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã xây dựng bốn phương án và phân tích ưu, khuyết điểm để trình các cơ quan xem xét, đánh giá. Trong đó, đơn vị này ưu tiên phương án điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Đây là phương án đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Cơ sở dữ liệu giá đất hiện được lấy từ các nguồn như: Giá đất bồi thường, giá đất tái định cư, giá cụ thể đã được UBND các cấp phê duyệt, giá đất chuyển nhượng thực tế từ cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế để cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất.