|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản số ra ngày 10/8/2022

07:41 | 16/08/2022
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát hành Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản số ra ngày 10/8/2022.

Thị trường Nông, lâm thủy sản thế giới

- Cao su: Từ đầu tháng 8 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á giảm trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, trong khi sản lượng tăng và giá dầu thô giảm.

- Cà phê: Đầu tháng 8, giá cà phê robusta trên sàn giao dịch London tăng, giá cà phê arabica trên sàn New York giảm.

- Hạt tiêu: Giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu biến động không đồng nhất tại các nước sản xuất, tăng tại Indonesia và Ấn Độ, ổn định tại Malaysia và Việt Nam, nhưng giảm tại Brazil.

- Chè: Trong nửa đầu năm 2022, giá chè xuất khẩu bình quân của Sri Lanka tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2021. Kenia đang xem xét việc tăng tỷ trọng xuất khẩu chè sang thị trường I-ran và các nước khác ở châu Á, trong bối cảnh nhu cầu giảm tại thị trường Pakistan.

- Thịt: Giá heo nạc tại Chicago, Mỹ đầu tháng 8 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 4,1 triệu tấn thịt, trị giá 17,03 tỷ USD, giảm 30,9% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Mỹ, Agentina, New Zealand và Uruguay.

- Thủy sản: Rabobank dự báo nhu cầu thủy sản toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ giảm. Xuất khẩu tôm của Ecuador tiếp tục dẫn đầu thế giới trong nửa đầu năm 2022 nhờ xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh. Ngành tôm Ấn Độ dự kiến sản lượng vụ 2 sẽ giảm do người nuôi hạn chế thả giống khi chi phí đầu vào cao, nhu cầu hạn chế và thời tiết xấu.

- Gỗ và sản phẩm gỗ: Trong tháng 7, lượng đơn đặt hàng đồ nội thất của Mỹ giảm mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Indonesia đạt 890,7 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị trường Nông, lâm thủy sản trong nước

- Cao su: 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 983,76 nghìn tấn, trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 7,2% về lượng và tăng hơn 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng.

- Cà phê: Đầu tháng 8, giá cà phê robusta tại thị trường trong nước biến động mạnh. 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 2,56 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 14,07% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống 11,17% trong 6 tháng đầu năm 2022.

- Hạt tiêu: Giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa tăng nhờ tín hiệu khả quan từ thị trường Trung Quốc. Tháng 7/2022 xuất khẩu hạt tiêu giảm 21,5% về lượng và giảm gần 20% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 cũng giảm 27,5% về lượng và giảm 15,6% về trị giá.

Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2022. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ tăng.

- Chè: Xuất khẩu chè trong tháng 7 đạt 12,5 nghìn tấn, trị giá 21,2 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và tăng hơn 2% về trị giá so với tháng 7/2021. Thị phần chè của Việt Nam chiếm tỷ trong thấp trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường Hong Kong.

- Thịt: Giá heo hơi trên toàn quốc đầu tháng 8 dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất nhập khẩu thịt của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2021.

- Thủy sản: Xuất khẩu thủy sản tháng 7 tăng trưởng chậm lại, kim ngạch xuất khẩu đạt dưới 1 tỷ USD, sau khi liên tục đạt trên mức này trong 4 tháng trước đó. Thị phần tôm của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc 5 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021.

- Gỗ và sản phẩm gỗ: 7 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,7 tỷ USD, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tăng trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ các thị trường ngoài khối. 

Bản tin chi tiết: 

Như Huỳnh