|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bản đồ dầu khí 2025: OPEC thất thế, Mỹ tranh thủ vị trí số 1

23:46 | 27/11/2019
Chia sẻ
Ngay từ thời điểm hiện tại cũng như tính tới thời điểm năm 2025, "bảng xếp hạng" các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ có nhiều thay đổi.
Bản đồ dầu khí 2025: OPEC thất thế, Mỹ tranh thủ vị trí số 1 - Ảnh 1.

Dàn khoan của Mỹ ngoài khơi bờ biển California, gần Santa Barbara. (Nguồn: Platform Holly)

Bất chấp đà tăng trưởng sản xuất chậm lại của dầu đá phiến, Mỹ vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới, từng bước thế chỗ các nhà xuất khẩu thuộc Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC).

Tập đoàn Aramco của Saudi Arabia, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán trong thời điểm mà thị phần của Saudi Arabia và OPEC tiếp tục suy giảm. 

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng của OPEC, hiện chiếm 39% nguồn cung về dầu của thế giới, sẽ giảm xuống chỉ còn 36% vào năm 2025, ở mức 36 triệu thùng/ngày. Đây là điều chưa từng có kể từ cuối những năm 1980.

Như vậy, sản lượng của OPEC có thể  sẽ giảm 3% vào giữa thập kỷ tới. Theo đó, 13/14 nước thành viên OPEC sẽ có sản lượng bị đình trệ hoặc suy giảm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Từ trường hợp của Venezuela, nước rơi vào tình trạng suy giảm sản lượng kéo dài do những bất ổn về tình hình chính trị trong nước, đến quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ như Iran. 

Duy chỉ có Iraq, nước đang dần phục hồi sau 40 năm khủng hoảng, sẽ chứng kiến sự tăng trưởng trong giai đoạn này.

Ngay từ thời điểm hiện tại, cũng như tính tới thời điểm năm 2025, "bảng xếp hạng" các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ có nhiều thay đổi. Bất chấp đà tăng trưởng sản xuất chậm lại của dầu đá phiến, Mỹ sẽ giữ vững vị trí là nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới.

Theo IEA, đến năm 2025, sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ tăng thêm 35%, vượt mức 21 triệu thùng/ngày và tiếp tục duy trì vị trí là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, vượt qua Saudi Arabia. Brazil, Canada và Na Uy nhiều khả năng cũng sẽ có những bước tăng trưởng nhất định trong lĩnh vực này.

OPEC dường như sớm nhận thức được vấn đề nêu trên và đã liên kết với Nga - quốc gia sản xuất lớn thứ hai thế giới. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của IEA, sản lượng dầu lửa của Nga đã đạt đỉnh và có thể sẽ giảm nhẹ vào năm 2025. Do đó, thị phần của OPEC và Nga vào năm 2025 sẽ giảm ở mức thấp nhất kể từ những năm 1970.

Trong khi đó, trong cùng thời điểm, sản lượng của Mỹ sẽ tăng gần gấp đôi, từ dưới 11% vào những năm 2000 lên mức 21% vào giữa thập kỷ tới. Đến năm 2030, sản lượng dầu của vùng Texas sẽ vượt tổng sản lượng của châu Phi. 

Theo Jean-François Seznec, chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Atlantic Council, OPEC sẽ cùng lúc phải đối mặt với hai vấn đề, bao gồm một bên là dầu đá phiến của Mỹ và bên kia là nhu cầu thế giới tăng chậm lại.

Theo Francis Perrin, chuyên gia nghiên cứu của Tập đoàn IRIS những phản ứng chậm chạp của OPEC đang bị lên án khi tiếp tục hạn chế sản lượng để với hy vọng đẩy giá dầu tăng lên trong khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ liên tục đạt các đạt đỉnh mới.

Tuy nhiên, với tình hình khai thác như hiện này, IEA dự báo, kể từ năm 2030 sản lượng dầu mỏ của Mỹ cũng sẽ bắt đầu đình trệ. Dù từ nay cho tới năm 2030, Mỹ có thể tiếp tục duy trì vị trí quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Nhưng về lâu dài, OPEC nhiều khả năng sẽ có lợi thế hơn, do các quốc gia thành viên, đặc biệt là Saudi Arabia sở hữu nguồn dự trữ dồi dào mà phần lớn chưa được khai thác. 

Điều này đem lại cho khu vực vùng Vịnh vai trò điều tiết thị trường do đây là khu vực duy nhất có khả năng tăng sản lượng một cách nhanh chóng khi cần thiết.