|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Capital muốn bán 21 triệu cổ phiếu của Tracodi

10:48 | 06/06/2023
Chia sẻ
Năm nay, BCG xác định ưu tiên đầu tư cho mảng xây dựng cơ sở hạ tầng của Tracodi trong bối cảnh Chính phủ đang dồn lực rót vốn cho mảng này. Nếu thương vụ thoái vốn thành công, BCG sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Tracodi xuống 44,15% vốn điều lệ.

CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG) vừa thông báo muốn bán hơn 21 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 145,13 triệu cổ phần đang sở hữu tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi - Mã: TCD).

Thời gian thoái vốn dự kiến được thực hiện từ 8/6 đến 7/7/2023 qua hình thức giao dịch thỏa thuận cho đối tác (chưa được tiết lộ). Tạm tính thị giá của TCD chốt phiên 5/6 là 8.520 đồng/cp, BCG có thể thu về gần 179 tỷ đồng từ thương vụ. Qua đó, tỷ lệ sở hữu của BCG tại Tracodi sẽ giảm từ 51,63% về 44,15% vốn điều lệ.

Phía BCG thông tin, dù giảm tỷ lệ xuống 44,15% vốn điều lệ, tổng số cổ phần các thành viên ban lãnh đạo BCG và tập đoàn đang sở hữu vẫn trên 50%, tức vẫn đang nắm tỷ lệ chi phối tại Tracodi. Tỷ lệ sở hữu này không ảnh hưởng đến việc biểu quyết những quyết sách lớn của Tracodi và đảm bảo duy trì chiến lược cũng như tầm nhìn dài hạn đã được xây dựng cho công ty này. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi tháng 4, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) BCG cho biết năm nay sẽ không mở rộng ở các mảng khác, chỉ tập trung đi sâu đầu tư cho các mảng hiện tại, bên cạnh đó sẽ tìm kiếm thêm các đối tác chiến lược.

BCG xác định ưu tiên đầu tư cho mảng xây dựng cơ sở hạ tầng của Tracodi. Từ đầu năm, Tracodi đã tập trung toàn bộ nguồn lực để xây dựng các dự án đầu tư công trong bối cảnh Chính phủ đang dồn lực rót vốn cho mảng này.

Năm nay, Tracodi sẽ tìm kiếm những dự án quy mô nhỏ, thời gian hoàn thành ngắn, tạo ra doanh thu nhanh để giảm thiểu rủi ro biến động vĩ mô. Bên cạnh lĩnh vực chủ chốt, công ty còn dự kiến tìm kiếm cơ hội M&A các mỏ đá tiềm năng để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của Chính phủ giai đoạn 2023 - 2027.

Thời gian này đang có một loạt dự án được chỉ định thầu và các cao tốc tại những địa phương phía Nam đang rục rịch chuẩn bị đấu thầu. Tracodi có lợi thế là sở hữu quyền khai thác đá trong khu vực tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Nếu thực hiện các dự án tại đây, Tracodi sẽ có cơ hội đưa sản phẩm vào trực tiếp dự án với giá thành tốt hơn, chi phí vận chuyển tốt hơn so với mua lại trên thị trường.

Đồng thời, công ty sẽ tính toán đến việc sản xuất các cấu kiện bê tông đúc sẵn, nâng giá trị gia tăng cho vật liệu. Hiện công ty cũng đang thực hiện công tác thu phí đường bộ và đang hoàn thiện năng lực. Theo dự báo khi 3 - 5 năm nữa, hệ thống cao tốc tại Đồng bằng Sông Cửu Long tăng thêm, Tracodi sẽ tham gia.

Đối với năm 2023, tập đoàn kỳ vọng Tracodi sẽ mang lại 3.317 tỷ đồng doanh thu và hơn 267 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đóng góp 48% doanh thu và 41% lợi nhuận của BCG.

Với Tracodi, BCG xác định đây là hoạt động cốt lõi tạo giá trị gia tăng trong hệ sinh thái. Những năm gần đây, Tracodi đóng góp trên 40% doanh thu cho tập đoàn. (Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của BCG).

Năm nay, bên cạnh việc chia cổ tức cho hai năm 2021 và 2022, phát hành cổ phiếu ESOP, Tracodi còn dự kiến phân phối 282,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 trong quý IV/2023. Nếu thành công, vốn điều lệ của Tracodi sẽ tăng từ 2.444 tỷ lên hơn 5.653 tỷ đồng.

 Tracodi có kế hoạch tăng vốn lên trên 7.500 tỷ đồng đến năm 2027. (Nguồn: Tổng hợp từ BCG).

Về phương án sử dụng vốn thu được từ việc phát hành cho cổ đông hiện hữu, Tracodi dự kiến dùng 700 tỷ đồng để thành lập công ty thành viên/mua lại cổ phần/phần vốn góp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp, đối tác để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khoảng hơn 2.126 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để cơ cấu lại các khoản nợ, thanh toán các khoản nợ vay và gốc, lãi vay ngân hàng, nợ đến hạn và trước hạn cho các đơn vị,...

Tính tới cuối quý I/2023, Tracodi đi vay tổng cộng 2.590 tỷ đồng, chiếm 44% tổng nợ phải trả và bằng 0,69 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó dư nợ trái phiếu là 1.374 tỷ đồng.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.