|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bài học từ Mỹ cho các nước muốn mở trung tâm dữ liệu

21:40 | 01/07/2024
Chia sẻ
Các công ty điện lực lớn nhất nước Mỹ cảnh báo rằng nhu cầu điện của nền kinh tế này đang tăng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Nếu Mỹ không tăng nhanh sản lượng điện, nền kinh tế có thể gặp nguy.

Các trung tâm dữ liệu cần rất nhiều điện năng. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Nhu cầu điện tăng đột biến

Sau hơn một thập kỷ đi ngang, nhu cầu điện của Mỹ sẽ tăng vọt vào năm 2030, theo báo cáo do hãng tư vấn Rystad Energy công bố vào tuần trước.

Các nhà phân tích cho biết cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI), quá trình mở rộng ngành bán dẫn và xu hướng điện khí hoá các phương tiện giao thông là nguyên nhân khiến nhu cầu điện gia tăng.

Chưa kể, ba yếu tố trên còn diễn ra ngay thời điểm nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang nỗ lực tìm cách giải bài toán biến đổi khí hậu, báo cáo nhấn mạnh.

Chỉ riêng hoạt động xây dựng trung tâm dữ liệu và phổ biến xe điện đã có thể làm nhu cầu điện tăng thêm 290 terawatt giờ vào cuối thập kỷ này.

Nhu cầu dự kiến từ các trung tâm dữ liệu và xe điện ở Mỹ tương đương với toàn bộ nhu cầu điện của Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế lớn thứ 18 thế giới.

Ông Surya Hendry, nhà phân tích của Rystad, cho hay: “Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải chạy đua với thời gian để sản xuất thêm điện mà không làm hệ thống điện quá tải đến mức căng thẳng”.

Rủi ro rất lớn

Ông Petter Skantze, Phó Giám đốc cấp cao tại NextEra Energy Resources, cho biết các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Google, Microsoft và Meta đang khẩn trương kêu gọi các công ty điện lực tăng sản lượng vì một loạt trung tâm dữ liệu sắp đi vào hoạt động.

Trong một số trường hợp, các trung tâm dữ liệu có thể cần tới 1 gigawatt điện. Để dễ hình dung, 1 gigawatt tương đương với công suất của một lò phản ứng hạt nhân, theo CNBC.

 

NextEra Energy, công ty mẹ của NextEra Energy Resources, là công ty điện lực lớn nhất tính theo vốn hoá trong nhóm cổ phiếu tiện ích thuộc chỉ số S&P 500. Đây cũng là công ty vận hành nhiều dự án năng lượng tái tạo nhất tại Mỹ.

“Đây là một tình huống khẩn cấp khác. Các công ty công nghệ cần thêm điện năng để thúc đẩy chu kỳ tăng trưởng tiếp theo”, ông Skantze phát biểu tại một hội nghị vào tuần trước.

“Họ đến nhà máy điện, đập cửa và bày tỏ mong muốn được cấp thêm điện năng”, vị phó giám đốc chia sẻ với CNBC.

Ông cho biết một thách thức lớn hiện nay là liệu các công ty điện lực có đủ nguồn lực để kết nối những dự án trung tâm dữ liệu mới với lưới điện hay không. Ông cảnh báo rủi ro với nền kinh tế Mỹ là rất lớn.

“Nếu chúng tôi không thể tăng nguồn cung điện thì các trung tâm dữ liệu không thể vận hành, hoạt động sản xuất không thể bắt đầu. Chúng tôi không thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh cốt lõi của một số doanh nghiệp lớn nhất cả nước”, ông nói.

Trao đổi với các nhà đầu tư vào đầu tháng trước, CEO NextEra Energy là ông John Ketchum cho biết nhu cầu điện của Mỹ sẽ tăng 38% trong hai thập kỷ tới, gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng hàng năm trong 20 năm trước.

“An ninh năng lượng sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc gia”

Southern Company, công ty điện lực lớn thứ hai ở Mỹ tính theo vốn hoá, cũng đang chứng kiến nhu cầu tăng cao kỷ lục. Southern Company đặt trụ sở chính tại Atlanta, một trong các thị trường trung tâm dữ liệu phát triển nhanh nhất ở Mỹ.

CEO Chris Womack của Southern Company ước tính nhu cầu điện sẽ tăng gấp ba hoặc bốn lần. Ông nhấn mạnh cung cấp đủ điện năng cho các công ty công nghệ là một vấn đề về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia.

Theo ông Womack, 80% nhu cầu điện năng vào cuối thập kỷ này sẽ được đáp ứng bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vị CEO cho rằng điện hạt nhân và khí đốt tự nhiên cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ điện gió và mặt trời, vì những nguồn năng lượng này vẫn gặp thách thức khi điều kiện thời tiết thay đổi.

Phát biểu tại một sự kiện về năng lượng do Reuters tổ chức gần đây, ông Womack bày tỏ: “An ninh năng lượng sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời hỗ trợ an ninh kinh tế. Chúng ta cần phải cân bằng và đáp ứng nhu cầu bền vững”.

Yên Khê

Dow Jones tăng 400 điểm, Russell 2000 chạm đỉnh lịch sử sau khi ông Trump chọn Bộ trưởng Tài chính
Cổ phiếu tiếp tục vọt tăng sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định chọn ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính. Ông Bessent được kỳ vọng sẽ đưa ra những chính sách có lợi cho thị trường chứng khoán và hạn chế các chính sách bảo hộ của ông Trump.