Bài học khởi nghiệp từ CEO Dh Foods: Chọn người đồng hành phải có cùng tư duy, đừng cả nể bạn bè thân thiết
"Ông trùm gia vị Việt" Nguyễn Trung Dũng từng nếm mùi thất bại trong lần đầu khởi nghiệp khi làm chung với nhóm bạn bè thân thời đại học, thời điểm các thỏa thuận không được làm rõ, khiến công ty dễ dàng sụp đổ khi có xung đột xảy ra. Những tưởng đã có bài học cho riêng mình, ông Dũng không ngờ lần thứ hai khởi nghiệp cũng mắc lỗi tương tự lần đầu.
Sau lần đầu thất bại, ông Dũng lao vào làm khởi nghiệp lần hai, khi đó mô hình kinh doanh của ông là nhập các sản phẩm từ Việt Nam mang sang Ba Lan để bán. Năm 1992, ông Dũng về Việt Nam tìm nguồn hàng để nhập khẩu, vay nóng người quen tại Ba Lan với lãi suất cực kỳ cao.
Các mặt hàng ông Dũng nhập khi đó là mì ăn liền của Vifon, Thiên Hương, Lucky (Công ty An Thái, Long Xuyên, An Giang). Theo CEO DH Foods, ông từng nhập khoảng 60 container hàng hóa/tháng ở thời kỳ cao điểm. Tiếp nối thành công ban đầu, ông Dũng mở rộng các mặt hàng, nhập thêm bún khô, nước hoa quả đóng lon, gạo... và đồ đông lạnh từ Việt Nam, mang qua Ba Lan bán.
"Hàng nào bán được ở Ba Lan mà Việt Nam có sản xuất là mình tìm cách liên hệ với nhà sản xuất, ban đầu chấp nhận trả tiền mặt để sau một thời gian tăng được sản lượng thì đàm phán trả chậm", CEO DH Foods chia sẻ. Ông cho biết quãng thời gian đầu, để được nhà sản xuất "ưu ái", ông Dũng đã phải đi vay nặng lãi để có tiền mặt, nhập hàng số lượng lớn.
Ở thời điểm đó, khi mô hình kinh doanh trong lần khởi nghiệp thứ hai phát triển và mang về doanh thu hàng triệu USD cho ông Dũng, một người bạn từng làm cùng ở lần khởi nghiệp đầu tiên, đã ngỏ ý muốn tham gia kinh doanh cùng ông Dũng.
"Tính tôi cũng thoải mái nên đã đồng ý lập công ty mới, chuyên phân phối sản phẩm bên tôi nhập khẩu, với tỷ lệ 75%- 25% (ông Dũng hưởng 75%). Tiền hàng tôi lo, cách làm tôi chỉ tận tình", ông Dũng chia sẻ. Sau đó, một số người bạn thời đại học cũng ngỏ ý muốn làm phân phối cho ông Dũng ở Ba Lan, tổng cộng có 5 người và đều ăn chia theo tỉ lệ 75/25.
"Mỗi tháng tôi họp 1 lần với các bạn để tổng kết về kinh doanh. Mặc dù tôi chiếm 75% cổ phần các công ty nhưng tôi đối xử với các bạn rất tử tế với sự tôn trọng, mọi bí quyết làm ăn tôi đều chia sẻ. Các bạn lần lượt mua nhà, mua xe trước, còn tôi mua nhà cuối cùng do lợi nhuận phải tái đầu tư vào vốn quay vòng", ông Dũng chia sẻ.
Thời gian sau đó, CEO Dh Foods đề nghị chia lại cổ phần tại các công ty phân phối là 50/50 và những mảnh ghép của sai lầm đã bắt đầu lộ diện. Vì tin tưởng để các bạn làm đại diện pháp luật nên ông Dũng khó có thể kiểm soát sổ sách, nhiều vấn đề xuất hiện sau đó.
"Tôi cảm thấy mệt mỏi vì không kiểm soát được các công ty phân phối nữa nên đi đến quyết định còn tệ hơn là tặng lại 100% cổ phần của tôi ở các công ty đó cho các bạn. Các bạn đã rất vui vì từ bây giờ thành chủ công ty, không phải nghe chỉ đạo hay ý kiến từ tôi nữa", ông Dũng hồi tưởng.
Đáng buồn thay, ông Dũng tiết lộ các bạn làm chung sau đó đã họp bàn riêng để tìm cách lật đổ ông khỏi công ty. Chưa dừng lại, người bạn làm cùng đã về Việt Nam đế tìm đường hợp tác với các nhà sản xuất mì ăn liền, song vì không có được sự bảo chứng của ông Dũng như trước đó, người này đã gặp khó khăn trong khâu thương thảo, dẫn tới thất bại, theo CEO Dh Foods chia sẻ.
Về phần mình, những xích mích đã khiến ông Dũng đi tới quyết định mở công ty phân phối mới và tuyển người quản lý chứ không hợp tác ăn chia như trước. Lần vấp ngã thứ hai đã khiến ông Nguyễn Trung Dũng rút ra bài học rằng: "Chọn Co-founder nên chọn người cùng tư duy kinh doanh, không nhất thiết là bạn thân. Hợp đồng nên chặt chẽ và hợp lý, đừng cả nể".
Chuỗi ngày khởi nghiệp đối với ông Dũng kéo hơn 3 thập kỷ với 3 lần khởi nghiệp ở Ba Lan. Sau lần thứ 3, ông trở về Việt Nam và tìm thấy tiềm năng của gia vị Việt Nam. Ở tuổi 50, ông Dũng lại một lần nữa khởi nghiệp với Dh Foods vào năm 2012.
Dh Foods chủ trương đi vào thị trường ngách là gia vị cho căn bếp Việt. Các sản phẩm của công ty gồm muối tôm, muối ớt Tây Ninh, muối chanh ớt mù tạt Nha Trang,… được phân phối bởi nhiều hệ thống siêu thị ở Việt Nam, đồng thời xuất khẩu đi 10 nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Đức, Mỹ,…