|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng: Nếu đợi thị trường hồi phục rồi mới mang hàng đi chào thì doanh nghiệp sẽ bị chậm một nhịp

14:14 | 25/01/2023
Chia sẻ
CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng cho biết xuất khẩu gia vị không phải là chiến lược mạo hiểm hay quyết định nóng vội, Dh Foods đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và dần nâng tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu doanh thu.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu hồ tiêu, hồi, quế lớn hàng đầu thế giới nhưng sản phẩm gia vị của chúng ta vẫn còn mờ nhạt và vắng bóng trên thị trường quốc tế. Liên quan đến chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng về hành trình đưa gia vị ra biển lớn. 

Chào ông Nguyễn Trung Dũng, cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn đầu xuân với chúng tôi. Năm 2022 vừa qua với Dh Foods như thế nào, thưa ông?

CEO Nguyễn Trung Dũng: Với Dh Foods, 6 tháng đầu năm 2022 khá ổn. Khép lại hai năm dịch bệnh, năm 2022 Dh Foods quay lại với tham vọng trở thành một góc gia vị trong căn bếp của thế giới. Thực ra, Dh Foods muốn đẩy mạnh xuất khẩu từ năm 2019, tuy nhiên dịch COVID-19 đã khiến kế hoạch này đi chậm lại.  

Công ty đã tham gia các hội chợ Thai Fex (Thái Lan), Sial Paris (Pháp) để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm khách hàng. Sắp tới, công ty sẽ tiếp tục tham gia các triển lãm thực phẩm, gia vị ở ở Mỹ, Đức, Dubai, Thượng Hải, Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Tuy nhiên, 2022 lại là một năm đầy biến động. Mọi năm quý II là quý kém nhất nhưng năm nay vẫn tốt, cho đến quý III và quý IV bắt đầu ốm đòn. Lạm phát là điều không ai có thể ngờ đến và có thể năm 2023 có thể sẽ tệ nữa. Các siêu thị có thể vắng khách hơn, kinh tế Việt Nam và thế giới có thể cực kỳ khó khăn, nhiều người có xu hướng tiết kiệm.

Viễn cảnh kinh tế năm 2023 được dự báo khá khó khăn nhưng Dh Foods vẫn giữ kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu gia vị dù tăng trưởng ở thị trường nội địa vẫn tốt, liệu đây có phải là một quyết định mạo hiểm không, thưa ông?

 

CEO Nguyễn Trung Dũng: Đi ra ngoài mới thấy thị trường thế giới rất mênh mông, nhu cầu cũng rất mênh mông. Như chúng ta thấy, đất nước Mỹ có 300 triệu người tiêu dùng, trong đó có 30 triệu người gốc Á, 3 triệu người Việt Nam. Đây là một “mảnh đất màu mỡ” với sức mua cực lớn.  

Do vậy, tôi cho rằng đây xuất khẩu gia vị không phải là chiến lược mạo hiểm hay quyết định nóng vội. Để gặp và bán được hàng cho khách hàng cần đến cả năm, có khi năm nay chào hàng, sang năm nữa chúng tôi mới bán. Dh Foods đã dành rất nhiều thời gian cho chiến lược này, nghiên cứu sản phẩm, chào bán và ký hợp đồng.

Nếu đợi thị trường hồi phục rồi mới mang hàng đi chào thì doanh nghiệp sẽ bị chậm một nhịp, có khi các đối thủ đã chào và ký được đơn hàng rồi. Do vậy, doanh nghiệp của tôi vẫn phải ra sản phẩm và chào hàng. Chúng tôi xác định đầu tư dài hạn, không ăn xổi.

Đơn cử như ở thị trường Nhật, Dh Foods mất hai năm để có đơn hàng nhỏ đầu tiên, để sau đó có đơn đặt nguyên container hàng tháng, ngay cả trong năm dịch bệnh. Năm 2022 khách đã đặt thêm sản phẩm mới và đơn hàng hàng tháng là hai container.

Đó cũng là phép thử của đối tác với doanh nghiệp Việt, họ muốn làm ăn lâu dài với chúng tôi. Nhật Bản là thị trường khó tính nhưng khi họ chấp nhận sản phẩm dịch vụ của doanh thì sẽ nhập rất nhiều và làm ăn lâu dài.

Tương tự với khách hàng châu Âu, Dh Foods cũng mất một năm để nhận được đơn hàng đầu tiên. Sau khi có uy tín, hàng hóa đi rất đều và ổn định, gia vị Việt Nam đang dần có mặt trong các gian bếp của cả người nước ngoài. 

Ông có thể chia sẻ trong những năm tới, doanh nghiệp dự kiến phân chia tỷ trọng xuất khẩu – nội địa như thế nào trong cơ cấu doanh thu?

CEO Nguyễn Trung Dũng: Chúng tôi sẽ nâng dần tỷ trọng doanh thu xuất khẩu. Cách đây 2-3 năm, mảng xuất khẩu chỉ chiếm 5% trong tổng doanh thu của Dh Foods nhưng hiện đã lên 10% và sẽ còn tăng nữa.

Còn thị trường trong nước, tôi cho rằng năm 2024 mới phục hồi. Nhưng chúng tôi sẽ đi song song, tiếp tục ra sản phẩm và quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường ở kênh HORECA (kênh phân phối các sản phẩm dùng trong ngành nhà hàng – khách sạn), online và offline và đặc biệt là kiểm soát rủi ro, không liều lĩnh.

Việc giữ kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới chắc hẳn còn mang một ý nghĩa khác với cá nhân ông và Dh Foods?

CEO Nguyễn Trung Dũng: Đúng vậy. Khi còn sinh sống ở nước ngoài, tôi rất nhớ gia vị Việt. Tuy nhiên, để mua được các gia vị này là điều rất khó, có thời điểm tôi phải chạy xe hàng trăm km để có thể mua được vài lọ gia vị.

 

Trong khi đó, ở các nước châu Âu, các siêu thị đều bán gia vị của Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… nhưng hàng Việt Nam lại rất khiêm tốn. Tôi mong muốn có một ngày các loại gia vị Việt sẽ được đứng chung với các gia vị nước khác tại những siêu thị đó.

Việc đưa ra gia vị Việt Nam ra thế giới không chỉ giúp Việt kiều có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm của quê hương, mà còn quảng bá, đưa tinh hoa ẩm thực Việt đến gần hơn với người tiêu dùng thế giới. Cứ nhìn gương Thái Lan, họ xuất khẩu gia vị đi khắp thế giới, cung cấp cho cả người bản địa và người gốc Thái.

Sau khi về Việt Nam, tôi may mắn được đi công tác rất nhiều nơi trên cả nước. Nước ta có chiều dài địa lý tới gần 2.000 km, đa dạng địa hình từ vùng núi, đồng bằng, cao nguyên và sự giao thoa của các nền văn hóa đã tạo nên sự phong phú về gia vị và ẩm thực. 

Hiện, các món ăn Việt Nam đã nổi tiếng rồi, người nước ngoài mê đặc sản phở, bánh mì, bún chả… thì cũng sẽ yêu gia vị Việt. Tôi muốn chứng minh cho thế giới thấy Việt Nam không chỉ có đồ ăn ngon, mà gia vị cũng ngon.

Mục tiêu của tôi là làm sao để người tiêu dùng thế giới biết đến gia vị Việt Nam. Đây là một bài toán rất dài và khó mà chưa chắc cuộc đời bé nhỏ của tôi đã làm, nhưng tôi cứ đi từng bước nhỏ, giới thiệu gia vị Việt đến thế giới.

 

Tôi từng nói với các startup ngành thực phẩm rằng nếu bạn dùng nguyên liệu tự nhiên, canh tác theo hướng tự nhiên, sản xuất trong môi trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì gần như chắc chắn sản phẩm của bạn sẽ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Và nếu bạn có thể áp dụng một tiêu chuẩn chất lượng cho cả hàng nội địa và hàng xuất khẩu thì càng tốt. Chỉ những sản phẩm chất lượng tốt mới có thể nhận được cái gật đầu của những thị trường khó tính. 

Cảm ơn ông đã có những chia sẻ thú vị! 

Phạm Mơ