|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cái chết' bất ngờ của hãng Thomas Cook giáng đòn đau lên 'Warren Buffett Trung Quốc'

17:50 | 25/09/2019
Chia sẻ
Sự phá sản của Thomas Cook cho thấy một thực tế khắc nghiệt đối với tham vọng của một đại gia Trung Quốc trong việc tạo ra một đế chế du lịch toàn cầu bằng các thương vụ mua lại chớp nhoáng.

Thomas Cook, công ty du lịch lâu đời nhất thế giới có trụ sở tại Anh vừa tuyên bố phá sản vào ngày 23/9. Sự phá sản của họ khiến hàng trăm ngàn du khách đang sử dụng dịch vụ của họ trên toàn cầu mắc kẹt tại nhiều nước.

 Là một trong những công ty lâu đời nhất tại nước Anh, Thomas Cook bắt đầu hoạt động từ năm 1841 với việc tổ chức những chuyến du lịch bằng đường sắt quanh châu Âu, trước khi phát triển nhanh trong thế kỉ 20.

Tập đoàn điều hành khách sạn, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ hàng không, phục vụ 19 triệu người tại 16 quốc gia khác nhau. Hiện tại Thomas Cook đang có 600.000 nhân viên làm việc bên ngoài nước Anh, buộc công ty bảo hiểm và chính phủ phải nhập cuộc "giải cứu".

Bất ngờ thay, trong 10 năm qua, khoản nợ 2,1 tỉ USD khiến Thomas Cook không thể xoay sở để tăng vốn hoạt động. Khoản nợ đến chủ yếu từ các điều khoản trách nhiệm do tập đoàn thanh toán chi phí không đúng thời hạn.

Bloomberg nhận định Thomas Cook là thương vụ mang tính tiên phong của tập đoàn Fosun ở Trung Quốc. Họ đầu tư vì muốn đưa thương hiệu Thomas Cook tới châu Á. 

Sự do dự của Fosun khi cứu Thomas Cook

Vài tháng qua, Thomas Cook đã đàm phán với Fosun và nhiều nhà đầu tư khác để tạo ra khoản cứu trợ 1,1 tỉ USD.

Ngày 20/9, các ngân hàng chính đe dọa rút vốn nếu hãng không huy động thêm 200 triệu USD. Họ ước tính hãng sẽ cần 200 triệu USD để vượt qua mùa đông, khoảng thời gian mà số lượng du khách luôn ở mức thấp.

Thomas Cook

Không bên nào - Fosun, các ngân hàng, các tổ chức và cá nhân nắm trái phiếu, các quỹ đầu tư - sẵn sàng bỏ ra số tiền đó. Nỗ lực cuối cùng của tập đoàn là xin chính phủ cứu trợ cũng bất thành.

Với mục tiêu tận dụng sự bùng nổ trong hoạt động du lịch nước ngoài - đặc biệt là châu Âu - của người dân Trung Quốc, ban đầu chiến lược đầu tư của Fosun và Thomas Cook là định hướng sáng suốt. 

Nhưng sự do dự của Fosun trong việc chi 200 triệu USD để cứu Thomas Cook cho thấy rất có thể ban lãnh đạo tập đoàn đã xem xét lại chiến lược đầu tư ở nước ngoài. 

Chiến lược mở rộng ra nước ngoài thay đổi

Trong vòng 5 năm qua, Fosun đã chi khoảng 18 tỉ USD để mua cổ phần hoặc mua toàn bộ các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Thương vụ đầu tư mới nhất của họ liên quan tới các thương hiệu thời trang.

Khi nền kinh tế toàn cầu đang chững lại và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm thay đổi cục diện của những thương vụ thôn tính và đầu tư, sự sụp đổ của Thomas Cook cũng có thể báo hiệu sự tạm dừng trong chiến lược đầu tư, thôn tính của tập đoàn.

"Fosun đang đối mặt với làn gió suy thoái. Đây là giai đoạn khó khăn để mở rộng", Andrew Collier, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Oriental Capital ở Hong Kong, bình luận.

Gou Guangchang, một tỉ phú USD ở Trung Quốc, thành lập Fosun vào năm 1992. Trong thời gian gần đây, tập đoàn tập trung vào mảng lữ hành, y tế và tài chính. Hiện tại, họ là một trong số vài tập đoàn Trung Quốc vẫn đang mua lại doanh nghiệp ở nước ngoài.

Khi các tập đoàn lớn khác ở Trung Quốc, như HNA, Dalian Wanda, Anbang, đang hãm đà mua lại và thậm chí bán bớt tài sản ở nước ngoài, Fosun đang nợ tới 28 tỉ USD tính tới ngày 30/6, theo số liệu của Bloomberg.

Với mảng du lịch, Fosun bắt đầu chiến dịch mở rộng bằng việc mua quyền kiểm soát thương hiệu nghỉ dưỡng Club Med ở Pháp vào năm 2015, sau một cuộc chiến dai dẳng để mua cổ phần. Cũng trong năm ấy, Fosun mua cổ phần trong Thomas Cook.

Sau khi nắm 18% cổ phần của Thomas Cook và trở thành cổ đông lớn nhất, Fosun tìm cách áp dụng mô hình kinh doanh của Club Med vào Thomas Cook bằng cách hướng tới du khách Trung Quốc tới châu Âu. Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 150 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài trong năm ngoái.

Song sự chững lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang khiến nhu cầu du lịch nước ngoài ở đại lục giảm. Cuộc chiến thương mại chỉ là một trong những nguyên nhân khiến đà tăng trưởng của Trung Quốc giảm. 

Dù nguyên nhân là gì, tình trạng kinh tế đình đốn đang làm giảm mức chi tiêu của dân, sản lượng của nhà máy và việc làm. Đồng nhân dân tệ yếu hơn cũng làm tăng mối quan ngại đối với ngành du lịch.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất chịu áp lực kinh tế, Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang lâm vào suy thoái hoặc sắp suy thoái. Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc nhanh hơn so với mọi dự đoán trước đây.

Nhạc Dương