|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học của nữ triệu phú gốc Việt ở Australia sau lần phá sản

07:40 | 18/02/2018
Chia sẻ
Luôn trả tiền đúng hạn, thuê kế toán viên giỏi để theo dõi tình hình tài chính là hai bí quyết giúp Diễm Fuggerberger, một nữ triệu phú gốc Việt ở Australia, duy trì thành công kinh doanh.

Diễm Fuggerberger - một nữ triệu phú gốc Việt ở thành phố Sydney, Australia - là người đồng sáng lập và điều hành hai công ty - Berger Ingredient và Coco & Lucas' Kitchen. Berger Ingredient cung cấp thực phẩm theo mùa và gia vị, còn Coco & Lucas’ Kitchen sản xuất thực phẩm đóng gói và đóng hộp dành cho trẻ em 3-12 tuổi.

Sau 7 năm, cả hai công ty của Diễm đều trở thành doanh nghiệp trị giá nhiều triệu USD. Cô thường xuyên nói chuyện trên truyền hình hay mạng xã hội để tư vấn kinh doanh cho những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

bai hoc tam dac cua nu trieu phu goc viet o australia sau lan pha san
Nữ triệu phú Diễm Fuggerberger cùng chồng và hai con gái. Gia đình nhà Fuggerberger từng rơi vào cảnh phá sản, nợ nần trước khi trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: Diễm Fuggerberger

Ý tưởng kinh doanh sáng suốt và tuyệt vời chưa phải là điều kiện đủ để tạo dựng cơ nghiệp thành công", nữ triệu phú Diễm Fuggerberger khẳng định.

Nữ doanh nhân gốc Việt khẳng định chủ doanh nghiệp cần 3 loại đối tác để kinh doanh bền vững: luật sư, kế toán viên và chuyên viên ngân hàng. Cả 3 người này đều phải có năng lực chuyên môn tốt và trung thực.

"Bạn phải thuê nhân viên kế toán đáng tin cậy và giỏi chuyên môn để giám sát tình hình tài chính và kinh doanh hàng tháng. Người đó phải hiểu cặn kẽ mọi vấn đề tài chính của doanh nghiệp", cô giải thích.

Mỗi khi lợi nhuận của một tháng nào đó tăng vọt, Diem Fuggerberger vẫn chi tiêu như mọi tháng và trích ra một khoản đề bù trừ cho những tháng mà công ty có lãi thấp hoặc lỗ.

"Tiết kiệm, ở cấp độ cá nhân hay doanh nghiệp, để phòng những lúc khó khăn là việc mà tôi luôn duy trì", cô thổ lộ.

bai hoc tam dac cua nu trieu phu goc viet o australia sau lan pha san
Diễm Fuggerberger nghiên cứu thực phẩm trong phòng thí nghiệm của công ty. Ảnh: Diễm Fuggerberger

Trả tiền nhà cung cấp đúng hạn và sòng phẳng là nguyên tắc mà Diễm luôn thực hiện đúng, bởi theo cô, uy tín là yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh.

"Khi bạn trả tiền các nhà cung cấp đúng hạn và đầy đủ, bạn sẽ có vị thế cao hơn và các nhà cung cấp sẽ chọn hàng tốt để giao cho bạn, đồng thời dành cho bạn nhiều ưu đãi hơn so với những người khác", cô giải thích.

Quan niệm rằng doanh nghiệp phải liên tục thích nghi với hoàn cảnh, Diễm luôn học hỏi không ngừng. Cô luôn tham khảo ý kiến của người già và doanh nhân thành đạt. Công ty có phòng thí nghiệm và đội ngũ nhân viên nghiên cứu giỏi. Học hỏi, tiếp thu sự sáng tạo, nhưng Diễm luôn thêm một thứ gì đó mang nét đặc trưng riêng để tạo nên sản phẩm và dịch vụ khác biệt.

"Trong kinh doanh, nếu không thay đổi liên tục, chúng ta sẽ tụt hậu. Chúng ta phải có khả năng thích nghi theo từng giai đoạn. Một khi đã quyết định đổi hướng, chúng ta nên hành động thật nhanh. Cơ hội chỉ tới một lần, nên chúng ta phải chớp lấy nó kịp thời", cô nói.

Không bao giờ trì hoãn quyết định là một phương châm của Diễm trong cuộc sống lẫn kinh doanh.

"Chúng tôi luôn phải ra những quyết định dứt khoát. Tôi luôn phải trả lời 'Có' hoặc 'Không', chứ chẳng nói 'Có lẽ" bao giờ", cô nhấn mạnh.

Sống tử tế, đối xử tốt với mọi người là lối sống mà Diễm luôn thực thi nghiêm túc.

"Cha tôi dạy các con rằng sống đàng hoàng, tử tế là một lựa chọn dễ dàng và không buộc chúng ta phải đánh đổi bất kỳ thứ gì. Tuy nhiên, chúng ta sống tốt nhưng phải cứng rắn với người xấu", cô nói.

Vì luôn coi trọng chữ tín và thái độ sống tử tế, nên khi Diễm phá sản và nợ 900.000 USD vào năm 2009, người thân, bạn bè, nhân viên và khách hàng đã không bỏ rơi cô. Sự tin tưởng của gia đình và một số nhân viên trong công ty trước đây là yếu tố giúp Diễm thoát khỏi tình trạng khó khăn nhanh hơn. Nhiều nhân viên cũ vẫn làm việc cho Diễm trong công ty mới dù họ chưa biết tương lai của công ty sẽ thế nào. Một số khách hàng trung thành sẵn sàng trả tiền trước để Diễm có thêm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất.

"Với sự đồng lòng của người thân và những nhân viên cũ, tôi biết tôi có thể vượt qua trở ngại", cô nhấn mạnh.

Giống như nhiều doanh nhân khác, Diễm nhận định người kinh doanh không nên coi tiền là động lực quan trọng nhất khi khởi nghiệp.

"Tôi đã kiếm được hàng triệu USD, nhưng tôi muốn người ta nhớ đến tôi bởi di sản mà tôi để lại, chứ không phải vì tôi là triệu phú. Tôi muốn trở thành người có ảnh hưởng trong lĩnh vực thực phẩm nói riêng và nông nghiệp nói chung", cô tâm sự.

Kim Cương