Bắc Kinh cam kết bảo vệ doanh nghiệp sau lệnh cấm mở rộng của Washington với Huawei
Vào ngày 17/8, chính quyền Tổng thống đã mở rộng lệnh cấm công bố hồi tháng 5, theo đó ngăn cản gã khổng lồ ngành viễn thông Huawei mua chất bán dẫn mà không có giấy phép đặc biệt của Mỹ.
Đồng thời, Mỹ còn thêm 38 chi nhánh của Huawei ở 21 nước vào danh sách đen kinh tế của chính phủ nhằm chặn cơ hội tiếp cận nguồn cung chip của ông lớn công nghệ Trung Quốc.
"Phía Mỹ nên ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình", Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố trên trang web. Ngoài ra, bộ này còn cam kết sẽ thực hiện "tất cả biện pháp" cần thiết để bảo vệ doanh nghiệp Trung Quốc dù không công bố chi tiết biện pháp trả đũa.
Trước đó, vào ngày 18/8, ông Triệu Lập Kiên - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh phản đối việc Washington cố tình bôi nhọ và gây áp lực với Huawei cùng các công ty Trung Quốc khác.
Ông Triệu cho rằng Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và quyền lực nhà nước để áp đặt nhiều lệnh hạn chế khác nhau với doanh nghiệp Trung Quốc. Theo vị phát ngôn viên, đó là "một hành động bá quyền trắng trợn".
Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận định, lệnh cấm mới đối với Huawei có thể cản trở Huawei tiếp cận với các sản phẩm chip đã có sẵn trên thị trường, từ đó đe dọa ngôi vị nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của hãng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này đã bị ảnh hưởng kể từ lần đầu tiên Mỹ liệt họ vào danh sách đen vào năm ngoái khi thương chiến Mỹ - Trung tăng nhiệt.
Một số công ty môi giới khác, bao gồm JP Morgan có cùng quan điểm về ảnh hưởng của lệnh cấm mở rộng với hoạt động kinh doanh thiết bị di động của Huawei.
Ngoài ra, JP Morgan còn cho rằng các tay chơi khác như Xiaomi và Apple sẽ có cơ hội gia tăng thị phần sau động thái mới của Washington.