|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị bố trí 2.000 tỉ đồng cho dự án cầu Phước An

20:30 | 30/03/2020
Chia sẻ
Cầu Phước An đóng vai trò kết nối hạ tầng đồng bộ hệ thống cảng biển nhóm 5 với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.

Mới đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến giao Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cân nhắc bố trí 2.000 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương cho dự án cầu Phước An, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tỉnh triển khai và hoàn thành dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng giao cho tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan để sớm khởi công xây dựng công trình trong năm 2021.

Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị bố trí 2.000 tỉ đồng cho dự án cầu Phước An  - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Phước An. Nguồn: Báo Đồng Nai.

Trước đó vào ngày 17/4/2019, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã có Báo cáo thẩm tra số 1484/BC-UBTCNS14 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị bố trí 500 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương để đầu tư dự án.

Tiếp đó đến ngày 13/11/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 8742/BKHĐT-TH thống báo bố trí 242,5 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2020 cho một số dự án của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có dự án cầu Phước An.

Hiện tại, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất vị trí xây dựng cầu Phước An, thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cầu Phước An có ý nghĩa quan trọng trong việ kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải.

Năm 2009, dự án đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 2669/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư 6.381 tỉ đồng, bao gồm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 bao gồm đường và cầu có tổng chiều dài trên 18 km, giai đoạn 2 gồm cầu Phước An và đường dẫn đầu cầu có tổng chiều dài 3,26 km.

Trong đó, giai đoạn 1 được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đến nay Trung ương đã bố trí đủ gần 2.790 tỉ đồng. Theo dự kiến, giai đoạn 1 này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.

Hiện tại, cầu Phước An chưa được đầu tư nên toàn bộ hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ từ hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đi qua các tỉnh lân cận (TP HCM, Đồng Nai, Long An…) phải đi qua quốc lộ 51.

Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51 và kéo dài lộ trình vận chuyển 20 km so với đi qua cầu Phước An, làm ảnh hưởng đến năng suất, năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải so với các cảng trong khu vực.

Bên cạnh đó, Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang được triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, việc đầu tư xây dựng cầu Phước An để nối hệ thống cảng với cao tốc Bến Lức - Long Thành là hết sức cần thiết và cấp bách.

Cầu Phước An đóng vai trò kết nối hạ tầng đồng bộ hệ thống cảng biển nhóm 5 với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.

Nguyên Ngọc