|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đẩy nhanh hai dự án Cầu Phước An và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm giải cứu cảng Cái Mép - Thị Vải

21:45 | 17/03/2020
Chia sẻ
Do chi phí logistic đội lên quá cao làm gia tăng áp lực về lưu lượng hàng hóa được vận chuyển qua cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem việc đẩy nhanh các dự án hạ tầng kết nối là giải pháp cho vấn đề này.

Theo thông tin từ Đài Phát thanh và Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có buổi làm việc với các doanh nghiệp cảng.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cảng cho biết trong năm 2019, có 3,5 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Tuy nhiên, chỉ có 15% lượng container được vận chuyển bằng đường bộ và làm thủ tục hải quan tại Cái Mép - Thị Vải, còn phần lớn dùng sà lan trung chuyển hàng hóa về TP HCM để làm thủ tục hải quan để giảm chi phí vận chuyển.

Cụ thể, nếu dùng sà lan chuyển hàng từ Cái Mép về Cát Lái (TP HCM) thì chỉ tốn 27 USD/TEU, tương đương 600.000 đồng. Trong khi đó, chi phí vận chuyển bằng đường bộ trên 3 triệu đồng/TEU, tức gấp 5 lần.

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc cảng Tân Cảng - Cái Mép TCCT cho biết: "Do chi phí rất lớn, khách hàng không giao nhận ở đây (Cái Mép) nhiều mà thường hàng vào các cảng cạn ở TP HCM, sau đó dùng sà lan kéo xuống dưới này."

Vị Giám đốc này ví dụ, một khách hàng sản xuất hàng ở Bình Dương mà đi theo tuyến đường bộ đến Thị Vải mất phí khoảng 1,6 triệu đồng cho cả hai lượt vừa đi vừa về.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, cung đường từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) về Cái Mép -Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ dài 40 km nhưng chi phí vận chuyển lên đến 2,8 triệu đồng/container.

Trong khi đó, đoạn đường từ Nhơn Trạch Đồng Nai về Cát Lái (TP HCM) dài 80 km nhưng chi phí vận chuyển chỉ 2,4 triệu đồng/container.

Tương tự, chi phí vận chuyển từ Cát Lát đến Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) khoảng 2,9 triệu đồng/container, còn Cái Mép về Bàu Bàng tốn 4,6 triệu đồng/container.

Chi phí logictics gây áp lực cho cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy nhanh các dự án hạ tầng hỗ trợ - Ảnh 1.

Hơn 80% hàng hóa vận tải thủy đi qua cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: TCIT.

Chi phí logictics cao gây áp lực lên cảng

Theo lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp trong ngành, nguyên nhân khiến chi phí logistic cao do thiếu hệ thống các kho bãi container rỗng, kho tổng hợp hàng container (CFS) và cảng cạn (ICD).

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc cảng Cái Mép CMIT chia sẻ: "Đáng lẽ chủ hàng phải mang hàng ra cảng biển hoặc những hệ thống logistic ở gần cảng. Nhưng hiện nay các ICD nằm ở Bình Dương, Thủ Đức nên hàng hóa đã làm thủ tục hải quan ở đầu các cảng cạn này."

Lãnh đạo cảng Cái Mép CMIT cũng nói thêm: "Cảng CMIT, Thị Vải đóng vai trò là cảng cửa ngỏ, nghĩa là hàng đến đây làm hải quan xong mới đi tiếp. Còn bây giờ dường như cảng chỉ đóng vai trò trung chuyển quốc gia, hàng đến rồi lại đi tiếp đến các ICD. Thế thì tạo ra giá trị gì cho ngành logistic của tỉnh?"

Hiện tại, hơn 80% hàng hóa vận tải thủy đi qua cảng Cái Mép - Thị Vải. Trong đó, chi phí logistic chiếm 21% tổng giá trị hàng hóa.

Vì vậy, việc giảm chi phí logistic là một trong những vấn được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt quan tâm nhằm mục tiêu tăng hiệu suất khai thác cảng, qua đó tăng nguồn thu cho tỉnh từ cảng biển.

Đẩy nhanh hạ tầng hỗ trợ cảng

Theo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm áp lực vận chuyển hàng hóa qua cảng Cái Mép - Thị Vải hiện nay.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Tỉnh đã bàn với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để thống nhất phương án triển khai cầu Phước An, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đây là những việc quan trọng để gia tăng kết nối giao thông với cảng. Những dự án này thuộc nhóm A, đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh nỗ lực cuối năm 2020 phải khởi công."

Chi phí logictics gây áp lực cho cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy nhanh các dự án hạ tầng hỗ trợ - Ảnh 2.

Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy nhanh các dự án hạ tầng, trong đó có cầu Phước An và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Báo Giao thông.

Tại cuộc họp chiều ngày 11/3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc về cơ bản thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cầu Phước An. Sau điều chỉnh, cầu Phước An có tổng chiều dài khoảng 3,76 km.

Dự kiến cầu Phước An sẽ được xây dựng và hoàn thành trong vòng 5 năm kể từ ngày khởi công xây dựng.

Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trước đó vào tháng 7/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ bố trí 500 tỉ đồng cho dự án.

Còn về cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ bán đấu giá các khu đất công vị trí vàng để dồn nguồn lực để làm dự án.

Trong đó án thành phần 1 sẽ triển khai trước, với qui mô mặt cắt của đoạn từ Biên Hòa đến thị xã Phú Mỹ là 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 15.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thông tin thêm, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ quan tâm đến dự án đường sắt từ Cái Mép đến các khu công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ để kéo hàng về cảng, phục vụ đơn hàng đi các nước được thuận lợi hơn.

Nguyên Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.