|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Australia thiệt hại lớn vì giá quặng sắt lao dốc

10:24 | 20/08/2024
Chia sẻ
Bộ Tài chính Australia đã cảnh báo nước này có khả năng phải đối mặt với khoản lỗ 3 tỷ đô la Australia (2 tỷ USD) trong ngân sách do giá quặng sắt giảm nhanh hơn dự báo.

Theo Nikkei Asia, Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers lưu ý rằng giá quặng sắt giao ngay đã giảm 38% kể từ đầu năm và giảm 7,5% trong tuần trước, xuống còn 81,8 USD/tấn.

Báo cáo phân tích của Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers, sự sụt giảm này có nghĩa là giá nguyên liệu sản xuất thép này đang đi theo kịch bản dự báo của của chính phủ Australia là sẽ neo ở mức giá 60 USD/tấn vào năm sau. Nếu điều này xảy ra vào tháng 9, điều này sẽ gây thiệt hại thu ngân sách công khoảng 3 tỷ USD Australia.

Chính phủ đã dự kiến mức thâm hụt là 28,3 tỷ đo la Australia cho năm tài chính hiện tại trước khi những phát hiện trong báo cáo được công bố. 

Nhà phân tích Matthew Durban cho biết liệu đánh giá "bi quan" này có được chứng minh hay không vẫn còn phải chờ đợi và theo dõi. Tuy nhiên, sự suy thoái này đặt ra thêm nhiều câu hỏi về sức khỏe kinh tế của đối tác thương mại lớn nhất của Australia và cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra của nước này.

"Đây thực sự là kịch bản bất lợi", Durban, cựu chuyên gia kinh tế cấp cao và ủy viên thương mại của Austrade, cho biết. "Dù thế nào đi nữa, chúng tôi đã dự đoán nhu cầu của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2023, điều này có vẻ hợp lý. ... Câu hỏi thực sự ở đây là liệu đây chỉ là suy thoái theo chu kỳ hay là suy thoái mang tính cấu trúc. Tôi nghi ngờ đây là vấn đề mang tính cấu trúc".

Australia đã xuất khẩu 138 tỷ đô la Australia quặng sắt trong năm tài chính tính đến tháng 6. Một báo cáo của chính phủ vào tháng 6 cho biết dự kiến thu nhập sẽ giảm xuống còn 114 tỷ đô la Australia vào năm 2024-2025 và 102 tỷ đô la Australia vào năm 2025-2026 khi giá giảm.

Theo số liệu thương mại, vào năm 2023, khoảng 85% quặng sắt của Australia được xuất khẩu đến Trung Quốc, khiến nước này chịu ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong phân tích của mình, Bộ Tài chính Australia lưu ý rằng có một vài chỉ số ảm đạm đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang gặp khó khăn, bao gồm giá nhàtrong năm 2024 giảm 8,2%, đầu tư bất động sản giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái và việc khởi công xây dựng nhà ở trong 12 tháng tính đến tháng 7 chỉ bằng 60% so với mức đỉnh điểm vào năm 2021.

"Sự yếu kém trong nền kinh tế Trung Quốc và sự sụt giảm gần đây của giá quặng sắt là một lời nhắc nhở khác rằng chúng ta không miễn nhiễm với sự biến động và bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu", ông Chalmers cho biết. "Chúng tôi đang theo dõi những diễn biến này rất chặt chẽ vì tác động tiềm tàng của chúng đối với nền kinh tế và ngân sách của chúng tôi".

Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa trong tổng số 1,89 tỷ tấn thép của toàn cầu vào năm 2023. Do nhu cầu trong nước yếu khiến lợi nhuận giảm, các nhà sản xuất đã đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy giá xuống thấp hơn.

Tập đoàn thép Baowu Trung Quốc, nhà sản xuất kim loại lớn nhất thế giới, đã lên tiếng cảnh báo vào tuần trước. Chủ tịchBaowu, ông Hồ Vương Minh cho biết ngành thép đang phải đối mặt với một "mùa đông khắc nghiệt" với điều kiện còn tồi tệ hơn cả những đợt suy thoái lớn vào năm 2008 và 2015.

Sự suy thoái đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các nhà sản xuất quặng sắt lớn của Australia. Cổ phiếu của BHP giảm 13%, Rio Tinto giảm 16% và Fortescue giảm 39% so với sáu tháng trước. Tuy nhiên, các công ty khai thác này nằm trong số những công ty hiệu quả nhất thế giới, với chi phí đơn vị cho mỗi tấn vào khoảng 20 USD.

Durban cho biết sự chú ý sẽ đổ dồn chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 8. Chỉ số này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 7, báo hiệu triển vọng ảm đạm trong số các nhà sản xuất.

"Nếu tình trạng này tiếp diễn", Durban cho biết, "thì chúng ta có thể chứng kiến sự trượt dốc theo kịch bản giảm giá của Bộ Tài chính là 60 USD, nhưng hiện tại thì điều đó khá đột ngột".

 

H.Mĩ