|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép Trung Quốc đang phải đối diện với khủng hoảng nghiêm trọng

10:50 | 15/08/2024
Chia sẻ
Theo Financial Times, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đã cảnh báo rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự suy thoái kéo dài hơn so với trước đây vì thị trường bất động sản vẫn chưa thể phục hồi.

 

Tại cuộc họp công bố kết quả kinh doanh diễn ra hôm 14/8, ông Hu Wangming, chủ tịch của Tập đoàn thép Trung Quốc Baowu ví cuộc khủng hoảng ngành thép như “mùa đông”. Và ông cho rằng “mùa đông” này đang trở nên “lạnh lẽo” và kéo dài hơn so với kỳ vọng của công ty.

Baowu là công ty của Trung Quốc, sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm 7% sản lượng toàn cầu. 

Ngành thép toàn cầu đã phải đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng vào năm 2008 và 2015 dẫn đến việc hợp nhất các nhà sản xuất phân mảnh của Trung Quốc. Bản thân Baowu được thành lập từ sự sáp nhập giữa Baoshan Iron and Steel và Wuhan Iron and Steel vào năm 2016.

Tuy nhiên, lời cảnh báo của Baowu cho thấy cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa, sau khi ngành này bị tàn phá bởi nhu cầu bất động sản yếu và sản xuất công nghiệp chưa phục hồi. Những điều này đã gây ra tình trạng dư thừa thép khiến giá giảm và các nhà máy bị thua lỗ.

Ông Colin Hamilton, nhà phân tích hàng hóa tại BMO, cho biết: "Toàn bộ ngành thép Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc hợp nhất".

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã chuyển hướng sang tập trung xuất khẩu để tiêu thụ lượng thép dư thừa. Kết quả là, xuất khẩu thép trong nửa đầu năm nay cao nhất trong vòng 8 năm qua qua. Tuy nhiên, thép Trung Quốc phải đối mặt với ngày càng nhiều rào cản khi các quốc gia khác áp dụng thuế quan để bảo vệ ngành công nghiệp của họ.

Theo Ngân hàng Commonwealth, hoạt động xây dựng mới tại Trung Quốc đã giảm khoảng 24% trong nửa đầu năm 2024, sau khi giảm lần lượt 21% và 39% vào năm 2023 và 2022.

Trong những lần thị trường suy thoái trước đây, các nhà hoạch định chính sách đã giải quyết khủng hoảng thông qua các biện pháp kích thích nhưng nỗ lực hồi sinh thị trường bất động sản Trung Quốc lần này đã không thành công.

Giá quặng sắt tiếp tục suy yếu vào thứ Tư (14/8), giảm sâu hơn xuống dưới mức quan trọng 100 USD/tấn.

Giá quặng sắt đã giảm 30% trong năm nay do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế  chậm lại và ngành bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Đồng thời, dữ liệu cho thấy lượng hàng xuất khẩu  từ những quốc gia khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới như Australia và Brazil cũng ở mức cao, theo Bloomberg. 

Trong số các dấu hiệu của nguồn cung dồi dào, lượng quặng sắt dự trữ tại cảng của Trung Quốc đã tăng vọt trong năm nay, tăng lên khoảng 10 triệu tấn so với mức đỉnh điểm được thiết lập vào năm 2018. Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc, công ty nhà nước được thành lập để quản lý việc nhập khẩu  nguyên liệu thô, cho biết sự gia tăng này là do các hoạt động mua đầu cơ  gây ra sự “méo mó và không bền vững" trên thị trường.

Các nhà máy thép Trung Quốc đang chịu áp lực phải tiếp tục cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá và tránh thua lỗ lớn.

Tại cuộc họp đánh giá nửa năm gần đây, ông Hou Angui, tổng giám đốc kiêm phó bí thư đảng ủy tại Baowu, người tham gia vào quá trình ra quyết định quan trọng tại công ty nhà nước này, cho biết "tình hình hiện tại của ngành thép nghiêm trọng hơn so với thời kỳ suy thoái năm 2008 và 2015".

Ông Hou đã thúc giục các phòng tài chính ở mọi cấp độ của Baowu Steel  "chú ý nhiều hơn đến sự an toàn của dòng tiền và xây dựng các kế hoạch cân đối tiền mặt dài hạn".

Ông Hu cho biết thêm rằng công ty cũng nên thúc đẩy quản lý hàng tồn kho chặt chẽ và thay đổi tư duy truyền thống là duy trì một mức tồn kho an toàn nhất định.

Theo số liệu chính thức, nhu cầu thấp đã làm giảm sản lượng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cần phải cắt giảm sản lượng hơn nữa để cân bằng thị trường. Sản lượng gang và thép thô của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 lần lượt giảm 3,6% và 1,1% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 435,62 triệu tấn và 530,57 triệu tấn, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

H.Mĩ

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.