|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Asanzo ước tính tổn thất hơn 1.000 tỉ đồng vì khủng hoảng, sản xuất đình đốn nhưng vẫn xuất hàng sang Nhật

15:11 | 17/09/2019
Chia sẻ
Ông Phạm Văn Tam than thở rằng cuộc khủng hoảng khiến tổn thất của công ty có thể lên tới hơn 1.000 tỉ đồng, nhưng công ty vẫn xuất hàng sang Nhật Bản và sắp khai trương nhà máy mới.

Trong cuộc họp báo với tựa đề "Asanzo được minh oan" vào sáng 17/9, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Asanzo, thừa nhận rằng trong 3 tháng từ khi báo Tuổi Trẻ công bố loạt bài điều tra về Asanzo, tập đoàn đã lao đao vì khủng hoảng. 

"Hệ thống phân phối của tập đoàn tê liệt, hoạt động sản xuất đình đốn. Thiệt hại của chúng tôi vào khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, chưa kể tới những tổn thất mà chúng tôi không thể đo lường", ông Tam nói.

Giờ đây, ông Tam nhận định Asanzo sẽ phải chi khoảng 1.000 tỉ đồng để quay về tình trạng kinh doanh thời kì tiền khủng hoảng - từ công tác truyền thông tới gây dựng lại niềm tin của khách hàng và đối tác.

Mặc dù vậy, theo ông Tam, không đối tác nào đòi rút vốn, không ngân hàng nào đòi nợ Asanzo trong 3 tháng qua. Đó là điều mà ông cảm thấy tự hào.

93eb5dd33628d1768839

Chủ tịch Asanzo, ông Phạm Văn Tam, nhận định ông cần chi hơn 1.000 tỉ đồng để phục hồi tình trạng kinh doanh thời kì tiền khủng hoảng. Ảnh: Nhạc Dương

Ông Tam nhấn mạnh rằng, khủng hoảng đã khiến thành quả, công sức mà ông gây dựng trong hơn 20 năm trở về con số không. 

"Phải mất 20 năm để tích luỹ, hiểu nhu cầu thị trường, biết tận dụng lợi thế cạnh tranh của các đối tác để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình, 20 năm để vươn lên vị trí thứ 4 trên thị trường", ông Tam phát biểu.

Song Chủ tịch Asanzo nhấn mạnh rằng, ông không nản chí. "Trong 89 ngày đó, tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi, gõ bao nhiêu cánh cửa. Có những lúc tôi nghĩ rằng, mọi thứ gần như đã kết thúc rồi", ông Tam thổ lộ.

Ngoài ra, ông Tam tiết lộ rằng, trong 89 ngày qua, công ty vẫn sản xuất để xuất khẩu hàng sang Nhật Bản. Theo ông, vào đầu tháng 10, Asanzo sẽ khai trương nhà máy thứ năm tại khu công nghệ cao quận 9, TP. HCM.

"Nhà máy mới có công suất cao gấp 4 lần các nhà máy hiện tại và sẽ là tiền đề để Asanzo xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài", ông Tam nói.

Ông Phạm Văn Tam ước tính tổn thất của công ty Asanzo vì khủng hoảng lên tới hơn 1.000 tỉ đồng trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 17/9. Video: Nhạc Dương

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Bộ Tài chính thông báo, các đơn vị thuộc Bộ đã kiểm tra, xác minh về Asanzo đã thực hiện đầy đủ nội dung cần xác minh theo yêu cầu của Thủ tướng.

Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn chưa công bố kết luận Asanzo có sai phạm hay không tại họp báo Chính phủ.

Đầu tháng 9/2019, Tổng cục Hải quan thông báo, từ 1/1/2017 đến ngày 30/6/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có giao dịch mua hàng với 58 công ty, bao gồm 9 công ty mang tên "Asanzo".

Những doanh nghiệp này gồm Công ty CP Công nghệ cao Asanzo, Công ty CP truyền thông và giải trí Asanzo, Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, Công ty CP Đầu tư Công nghệ Điện Tử Asanzo, Công ty CP Viễn thông Asanzo, Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty CP Điện Tử A Sanzo Việt Nam, Công ty TNHH Đầu Tư Sản Xuất Phương Nguyên Asanzo và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo.

ICT News đưa tin tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) do bà Vũ Kim Hạnh dẫn đầu đã kết luận việc ghi nhãn xuất xứ Việt Nam của hàng hoá lắp ráp của Asanzo phù hợp quy định hiện nay.

Buổi làm việc diễn ra giữa ông Phạm Văn Tam và Tổ công tác VCCI diễn ra vào ngày 25/7. Văn bản làm việc được công bố vào ngày 30/8.

Nhạc Dương