|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc tác động đến kinh tế toàn cầu

16:17 | 01/07/2021
Chia sẻ
Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Đây không chỉ là đòn giáng vào nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau COVID-19 mà còn gây căng thẳng cho thương mại toàn cầu.

Cú đấm với nền kinh tế

Theo CNN, Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện do thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao và các giới hạn nghiêm ngặt về sử dụng than đã giáng một đòn mạnh vào lưới điện quốc gia.

Vấn đề này có thể kéo dài trong vài tháng, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế của nước này và gây căng thẳng cho thương mại toàn cầu.

Một số tỉnh của Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện trong vài tuần gần đây, kể cả những tỉnh được coi động lực tăng trưởng kinh tế của nước này.

Đơn cử như Quảng Đông, trung tâm thương mại quốc tế chiếm hơn 10% tổng giá trị kinh tế hàng năm của Trung Quốc đã phải hạn chế sử dụng điện trong hơn 1 tháng qua, buộc các công ty trên toàn tỉnh phải đóng cửa trong vài ngày mỗi tuần.

Chính quyền địa phương cảnh báo rằng tình trạng thiếu điện có thể kéo dài đến cuối năm nay.

Không chỉ Quảng Đông, hơn 9 tỉnh khác cũng đang phải giải quyết vấn đề thiếu điện trong đó có các trung tâm kinh tế lớn như Vân Nam, Quảng Tây và Chiết Giang.

Ngày 30/6, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết đây là cuộc khủng hoảng nguồn điện lớn nhất kể từ năm 2011.

Khủng hoảng thiếu điện không chỉ là một cú đấm với nền kinh tế Trung Quốc khi làm gián đoạn tốc độ phục hồi kinh tế của nước này mà còn gây sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang vật lộn với dịch COVID-19.

Yan Qin, nhà phân tích của Refinitiv cho biết: "Tình trạng thiếu điện sẽ gây tổn hại cho hầu hết lĩnh vực kinh tế đặc biệt là ngành xây dựng và sản xuất".

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, các doanh nghiệp trong hai ngành này tiêu thụ gần 70% lượng điện của Trung Quốc vào năm ngoái và là động lực cho sự phục hồi kinh tế vào năm 2021.

Công ty sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc Chengde New Material thông báo sẽ đóng cửa 2 ngày/tuần cho đến khi lệnh hạn chế sử dụng điện được gỡ bỏ. Công ty dự kiến khối lượng sản xuất sẽ giảm 20%, tương đương 10.000 tấn thép mỗi tháng.

Theo ông Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu ở Nam Trung Quốc, cho biết 80 công ty có thể đã bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế sử dụng điện, chỉ hoạt động vài ngày trong tuần của Chính phủ Trung Quốc.

Thậm chí, một số công ty bắt đầu thuê máy phát điện chạy dầu diesel với chi phí cao để duy trì hoạt động kinh doanh.

Ngoài sản lượng giảm, khủng hoảng thiếu điện có thể khiến việc giao hàng bị trì trệ khắp Trung Quốc, gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điển hình như tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các sản phẩm quần áo, đồ chơi và đồ điện tử.

Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng ứ đọng container cảng ở Quảng Đông kéo dài có thể khiến nguồn cung hàng hóa thiếu hụt vào mùa mua sắm cuối năm.

Khủng hoảng thiếu điện có thể kéo dài

Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng thiếu điện xảy ra do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến trong mùa nắng nóng.

China Southern Power Grid, doanh nghiệp điện tại Trung Quốc cho biết trong 5 tháng đầu năm, tiêu thụ điện ở phía Nam Trung Quốc đã vượt mức trước đại dịch, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiệt điện tạo ra khoảng 60% điện năng của đất nước. Tuy nhiên, Chính phủ nước này kìm hãm nhiệt điện vì mục tiêu giảm carbon từ nay đến năm 2060.

Thời tiết nắng nóng cực đoan, hạn hạn ở một số khu vực cũng gây khó khăn cho sản xuất năng lượng tái tạo như thủy điện. Lượng nước trong trung tâm thủy điện lớn của tỉnh Vân Nam giảm khiến sản xuất thủy điện khốn đốn.

Như vậy, cộng hưởng từ việc hạn chế sử dụng than, thiếu điện và thời tiết khắc nghiệt tạo ra chênh lệch lớn giữa cung và cầu.

Khủng hoảng thiếu điện sẽ xảy ra thường xuyên và kéo dài trong ít nhất vài tháng  ở Trung Quốc, đặc biệt là khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong những tháng hè.

Trong bối cảnh nước này cam kết kiểm soát năng lượng bẩn và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

 "Vấn đề các nhà máy điện của Trung Quốc phải đối mặt là làm thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng vừa đạt được mục tiêu khử carbon", ông Qin nói.

Hoàng Anh