|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giá xăng tăng 11 lần, liên tục phá đỉnh sau vòng 6 tháng: Doanh nghiệp gọi xe chật vật giữ chân tài xế và khách hàng

08:25 | 14/06/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá nhiên liệu trong nước liên tục tăng, các công ty gọi xe công nghệ, thậm chí cả những hãng xe truyền thống đang nỗ lực để giữ chân tài xế của mình.

Theo dữ liệu từ Statista, giá trị thị trường gọi xe công nghệ và giao đồ ăn của khu vực Đông Nam Á có thể đạt giá trị 42 tỷ USD vào năm 2025, tăng cao so với mức 13 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam tất nhiên cũng không nằm ngoài cuộc chơi của thị trường gọi xe công nghệ khu vực.

Theo dữ liệu từ Bộ Công thương, doanh thu của thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam ước tính đạt mức 2,4 tỷ USD vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng trung bình 30 – 35%/năm kể từ năm 2015.

Dù vậy, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng như vấn đề giá xăng liên tục tăng cao trong thời gian qua đã gây ra không ít khó khăn cho các hãng gọi xe công nghệ đầu ngành, đặc biệt là trong vấn đề giữ chân các tài xế.

Toàn cảnh bức tranh thị trường gọi xe Việt Nam

7 năm phát triển (từ 2014 khi có sự xuất hiện của Uber, Grab...), thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam đã có sự bùng nổ với hơn 20 nền tảng khác nhau ra đời và cạnh tranh khốc liệt với dịch vụ đa dạng hơn và quy mô thị trường lớn hơn nhiều với mức tăng trưởng cao thứ 2 chỉ sau thị trường thương mại điện tử bán lẻ.

Có rất nhiều đơn vị đang cạnh tranh trên thị trường gọi xe hai bánh tại Việt Nam hiện nay, có thể kể đến như Grab, Gojek, Be, FastGo, Vato,… Tính đến hết tháng 5/2021, Grab, Gojek và Be chiếm tới 97% thị phần trên thị trường gọi xe hai bánh tại Việt Nam với lần lượt là Grab (60%), Gojek (19%) và Be (18%), theo dữ liệu từ Statista.

Xe ôm công nghệ là hình thức được sử dụng nhiều nhất bởi người dùng (50%). Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 13% người dùng thích sử dụng loại hình xe ôm truyền thống. Xe ôm công nghệ có lợi thế về sự dễ dàng, các chương trình ưu đãi, tích điểm, và chính sách giá rõ ràng. Xe ôm công nghệ có hình ảnh đẹp về giá cả nhờ vào chi phí đầu vào tốt. Xe ôm truyền thống có lợi thế về thời gian chờ.

Thị phần các hãng xe công nghệ với dịch vụ gọi xe hai bánh tại Việt Nam tính đến tháng 5/2021. (Nguồn: Statista - Doanh Chính tổng hợp).

Trong khi đó, đối với thị trường gọi xe 4 bánh, Grab tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất với 66%, Be chiếm 22%. Phần còn lại trên thị trường được chia cho các đơn vị khác như FastGo, MyGO, Vato,…, theo dữ liệu từ Q&Me. Dịch vụ GoCar của Gojek mới chỉ được đưa vào sử dụng tại TP HCM từ tháng 11/2021 và tại Hà Nội từ đầu năm 2022 nên không có tên trong kết quả khảo sát.

Thị phần các hãng gọi xe dịch vụ 4 bánh tại Việt Nam tính đến đầu năm 2021. (Nguồn: Q&Me - Doanh Chính tổng hợp).

Riêng với lĩnh vực taxi truyền thống, Mai Linh và Vinasun vẫn là hai dịch vụ được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất. Mặc dù người sử dụng thích dùng taxi công nghệ hơn (49%), nhưng tỷ lệ sử dụng linh động cả hai loại hình gồm truyền thống và công nghệ cũng ở mức cao (28%). Vì vậy, taxi truyền thống cũng có những lợi ích riêng đối với người sử dụng

Tại TP HCM, mức độ sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ gần như là áp đảo các dịch vụ truyền thống. Tại những thành phố khác (ngoài TP HCM & HN) mức độ sử dụng taxi truyền thống vẫn còn cao.

Taxi công nghệ có lợi thế về sự dễ dàng, các chương trình ưu đãi, tích điểm, và chính sách giá rõ ràng. Taxi công nghệ có hình ảnh đẹp về giá cả nhờ vào chi phí đầu vào tốt. Taxi truyền thống có lợi thế về thời gian chờ đợi.

Áp lực giá nhiên liệu tăng

Trong hai năm đại dịch, các hãng xe công nghệ chịu ảnh hưởng lớn do nhu cầu đi lại sụt giảm. Thị trường dần phục hồi thì các doanh nghiệp này lại phải đối mặt với một vấn đề mới mang tên “giá nhiên liệu tăng”. Trước áp lực, đã có những đơn vị đầu tiên trên thị trường gọi xe thông báo tăng giá cước.

Ở kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng tăng 800 - 900 đồng/lít và thiết lập kỷ lục mới. Hiện, xăng RON92 khoảng 31.117 đồng/lít, RON95 ở mức 32.375 đồng/lít. Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 13/6. Như vậy kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 11 đợt tăng, 3 đợt giảm. 

Đầu tháng tháng 3, Grab là đơn vị đầu tiên đã thông báo tới các tài xế rằng công ty công nghệ này sẽ bắt đầu tăng cước phí dịch vụ từ ngày tại gần như tất cả các địa phương. Ngay sau đó, cả Gojek và Be cùng một số đơn vị khác cũng tiếp bước Grab, tăng giá cước cho các dịch vụ gọi xe hai bánh và 4 bánh. Dù vậy, mức tăng giá cước này được dự báo vẫn sẽ khó bắt kịp đà tăng của giá nhiên liệu.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc thường trực Taxi Vinasun - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, việc tăng giá nhằm đảm bảo hài hòa về quyền lợi trong hoạt động kinh doanh và đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Hoàng Anh.

Làm sao để giữ chân tài xế?

Trước những khó khăn kể trên, không ít tài xế công nghệ đã bỏ việc để tìm kiếm công việc khác. Điều này khiến các hãng xe phải tìm cách để giữ chân tài xế của mình.

Thực tế, ngoài việc tăng giá cước, một số hãng xe công nghệ đã thực hiện những điều chỉnh, đồng thời đưa ra những mức đãi ngộ mới để giữ chân người lao động. 

Đơn cử như BeGroup quyết định hỗ trợ giảm chiết khấu 10% cho các tài xế beCar thân thiết tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, cũng như bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập lên đến 2 triệu đồng/tuần cho các tài xế của Be nói chung.

Theo Be, việc giảm chiết khấu với tài xế và không tăng giá cước là nỗ lực của hãng xe, nhằm san sẻ với đối tác, khách hàng trong bối cảnh chi phí xăng dầu tăng vọt trong thời gian qua.

Trong khi đó, phía Grab cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi giúp tài xế có thể yên tâm hơn khi làm việc tại công ty. Như từ tháng 6, Grab đã tiếp tục triển khai chương trình thưởng khi hoàn thành chuyến xe GrabCar trong khung giờ cao điểm. Theo miêu tả từ Grab, đây là chương trình được triển khai nhằm giúp các đối tác có cơ hội gia tăng thu nhập cùng công ty.

Ngoài ra, rất nhiều đơn vị khác cũng tung ra những chính sách mới, có thể là các chương trình ưu đãi hoặc các gói bảo hiểm,… nhằm mục đích giữ chân tài xế. Có thể nói, trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng như hiện nay, các hãng gọi xe công nghệ đang nỗ lực để cân đối giữa việc tăng lợi nhuận và đảm bảo nguồn thu cho người lao động.

Doanh Chính