|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Áp lực giảm phát đối với nền kinh tế Trung Quốc đang dịu đi

02:00 | 10/09/2023
Chia sẻ
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 8/2023 tăng 0,1% so với một năm trước đó, đảo chiều từ mức giảm 0,3% trong tháng 7/2023, nhưng thấp hơn nhiều so với mục tiêu hàng năm của Chính phủ Trung Quốc.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng Tám vừa qua, với mức giảm 3%, so với mức giảm 4,4% trong tháng 7/2023. Như vậy, đà giảm của PPI đã được được thu hẹp lại.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu kiểm soát CPI ở mức tăng khoảng 3% cho năm 2023.  Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International đánh giá "có một chút cải thiện" trong hồ sơ lạm phát của Trung Quốc. Nhìn chung, các dữ liệu vẫn cho thấy nhu cầu yếu và cần có thêm sự hỗ trợ về chính sách trong tương lai gần.

Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm trong tháng 7/2023, giữa bối cảnh các nhà phân tích đang cảnh báo nước này về bẫy “lạm phát thấp”.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết: “Với những dấu hiệu ban đầu về sự ổn định tăng trưởng, chúng tôi nhận thấy áp lực giảm phát đang nới lỏng, xu hướng này được phản ánh qua giá hàng hóa đã tăng trở lại trong tháng 8/2023”.

Trong những tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm cắt giảm lãi suất thế chấp và nới lỏng các quy định cho vay để hỗ trợ người mua nhà.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle, dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương) có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong thời gian tới.

Thủ tướng Lý Cường mới đây cũng cho hay, Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023.

Minh Trang