Áp lực chiến tranh thương mại, đậu nành Mỹ chuyển hướng sang Đông Nam Á?
Chiến tranh thương mại gây tổn hại người nông dân trồng đậu nành
Theo Nikkei, Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố hôm thứ Hai (13/8) cho thấy ngay cả khi sản lượng đậu nành được dự báo giảm 20% trong năm 2019 xuống gần 3,7 tỉ giạ (1 giạ = 36 lit) thì lượng đậu nành dư thừa vẫn lên tới 755 triệu giạ, chỉ giảm 5% so với năm ngoái.
Bản báo cũng không mấy khả quan đối với nông dân trồng ngô khi giá mặt hàng này tại Chicago giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5 do sản lượng lớn.
Bản báo cáo đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ nhiều đậu nành nhất thế giới, tuyên bố ngừng mua sản phẩm này của Mỹ sau khi Tổng thống Trump quyết định áp thuế 10% đối lên 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ tháng 9 này.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng đậu nành đạt ngưỡng kỉ lục ở các bang Arkansas, Kentucky và Tennessee.
"Chúng tôi rất lo ngại về tình hình đàm phán thương mại. Ngay lúc này, chúng tôi cần một phương án giải quyết về vấn đề thuế quan thương mại, vấn đề đang làm tổn hại đến nhu cầu cũng như giá đậu nành", ông Brad Doyle, một nông dân tại Arkansas cho biết.
Ông Doyle cho biết khách hàng Trung Quốc ưa chuộng chất lượng đậu nành của Mỹ, tuy nhiên, họ không thể tiếp tục nhâp khẩu do chiến tranh thương mại.
Hiện tại, dịch tả heo châu Phi đang gây tổn hại đến ngành công nghiệp nuôi heo của Trung Quốc.
Ngành này cũng từng tiêu thụ lượng lớn đậu nành của Mỹ. Điều này đồng nghĩa, ngay cả khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được kí kết thì nhu cầu đậu nành cũng chưa thể phục hồi nhanh được.
Những người nông dân, lực lượng ủng hộ ông Trump đông đảo trong đợt bầu cử tổng thống, đang kêu gọi chính quyền ông Trump nhanh chóng giải quyết căng thẳng thương mại.
"Chúng tôi đã đến Washington D.C. rất nhiều lần và liên tục vận động các nhà lập pháp trọng việc nhanh chóng giải quyết vấn đề thuế quan", ông Brian Kemp, giám đốc Hiệp hội Đậu nành Mỹ, cho biết.
Thời tiết bất lợi khiến nông dân khó lòng chuyển sang trồng ngô
Nhiều nông dân trồng đậu nành đã lên kế hoạch chuyển sang trồng ngô trong năm nay do bất ổn về thương mại, tuy nhiên, những đợt mưa kéo dài liên tục đã khiến điều này trở nên bất khả thi.
"Tôi dự định tăng diện tích trồng ngô, tuy nhiên do mùa xuân năm nay đến muộn, thời tiết ẩm ướt nên diện tích ngô mở rộng không được như mong muốn", ông Monte Peterson, một nông dân trồng đậu nành cho biết.
Ông Doyle cho biết nhiều nông dân ở khu vực Arkansas, Nam Dakota, Wisconsin và Minnesota đã phải bỏ ruộng.
Mặc dù nhiều người cố trồng ngô trên mảnh ruộng của mình nhưng dường như sản lượng không đạt được như kì vọng.
Rủi ro mất thị phần tại Trung Quốc
Ngoài thời tiết bất lợi và căng thẳng thương mại, người nông dân Mỹ còn đối mặt với rủi ro bị nước khác giành mất thị phần xuất khẩu tại Trung Quốc.
Brazil đã vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp đậu nành lớn nhất của Trung Quốc và có thể tương tự đối với mặt hàng ngô vào năm 2020, theo hãng nghiên cứu nông nghiệp Dan Basse of AgResource.
Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đang có ý định đầu tư 70 tỉ USD vào năm 2035 nhằm mở rộng quy mô sản xuất.
Cùng lúc, Trung Quốc cũng đang cố gắng đa dạng hóa các nhà cung ứng nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Mỹ.
Về phía Mỹ, hội đồng xuất khẩu đậu nành cũng đang đẩy mạnh đầu tư Đông Nam Á nhằm tìm kiếm khách hàng mới.
Tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 2 triệu tấn đậu nành. Trong khi Philippines và Mexico cộng gộp cũng chỉ bằng 27% lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
"Tôi cho rằng rất khó để quốc gia nhập khẩu số một thế giới là Trung Quốc 'dừng làm ăn' với quốc gia xuất khẩu lớn nhất toàn cầu là Mỹ.
Theo tôi, hai quốc gia sẽ tìm cách giải quyết căng thẳng thương mại", ông Jim Sutter, CEO của hội đồng xuất khẩu đậu nành, nhận định.