|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tác dụng phụ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với đậu nành Brazil

18:29 | 08/08/2019
Chia sẻ
Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đẩy người mua Trung Quốc tìm đến Brazil để thay thế cho nguồn cung đậu nành Mỹ, nhưng giá đậu nành tăng cao dưới tác động của thương chiến đang khiến Trung Quốc quay lưng với nhà cung cấp Nam Mỹ.

Giá đậu nành Brazil tính theo đồng nội tệ đã lên mức cao nhất trong gần 2 tháng vì giá tại cảng đối với hạt chứa dầu tăng vọt và đồng nội tệ yếu. Và cả hai nguyên nhân đều được tạo ra từ cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo Reuters, giá đậu nành Brazil đã lên tới 400 USD/tấn (gồm tiền hàng và cước phí sang Trung Quốc), tăng từ mức 380 USD của tuần trước.

"Kể từ khi Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế 10% đối với sản phẩm từ Trung Quốc, giá hàng hóa Brazil đã tăng cao", một thương nhân tham dự hội nghị công nghiệp tại Singapore cho hay. 

"Hầu hết nhà nhập khẩu Trung Quốc đang quay lưng với thị trường Brazil".

Giá đậu nành tại Sorriso, trung tâm của sản xuất đậu nành của Brazil tại bang Mato Grosso, chốt phiên ở mức 62,31 real/bao (tương đương 15,67 USD/bao) vào thứ Ba (6/8), tăng 0,81% so với hôm trước và là mức cao nhất kể từ ngày 18/6.

Giá tại cảng Paranaguá của Brazil đã lên tới 1,35 USD trên sàn giao dịch Chicago vào 6/8 sau khi Mỹ leo thang căng thẳng với Trung Quốc, nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới.

Trung Quốc sau đó phản ứng bằng việc tạm ngừng toàn bộ thỏa thuận đối với sản phẩm nông sản Mỹ. 

Giá đậu nành tại cảng Brazil đã tăng 70% từ ngày 16/6, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, theo dữ liệu từ Refinitiv.

Ông Camilo Motter, một nhà đầu cơ ngũ cốc tại bang Paraná, cho biết sự kết hợp giữa đồng real yếu và giá tại cảng cao đã đẩy giá trị đậu nành trên thị trường nội địa.

Đồng real Brazil đã giảm gần 5% so với đồng bạc xanh trong tháng này xuống gần gần 4 real đổi 1 USD vào thứ Tư (7/8).

Trong khi đó, nhu cầu đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bột đậu nành, đang suy yếu vì dịch tả heo châu Phi (ASF) lan ra nhiều trang trại nuôi heo của Trung Quốc có thể khiến nhu cầu của quốc gia châu Á đối với đậu nành giảm trong dài hạn. 

Trung Quốc, người tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, đã báo cáo hơn 140 trường hợp bùng phát dịch ASF kể từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào tháng 8/2018.

Nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc dự kiến giảm còn 85 triệu tấn trong năm 2018 - 2019, từ 94,1 triệu tấn của năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Brazil dự kiến tăng diện tích trồng đậu nành thêm 2,3% trong mùa mới lên 36,7 triệu ha, theo khảo sát của Reuters.

Lyly Cao