|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Áp lực cạnh tranh sẽ tăng khi tham gia RCEP

07:13 | 18/11/2020
Chia sẻ
Đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP cho thấy có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.

Theo Bộ Công Thương cơ hội mà Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mang lại cũng sẽ song hành cùng với khó khăn và thách thức. Hiệp định RCEP cũng có thể mang đến sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. 

Đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP cho thấy có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. 

Vì vậy, khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.

Ngoài ra, hiện đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn. 

Tuy nhiên, kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua cho thấy khả năng của Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực ngày càng tăng lên cùng với việc Việt Nam có nhưng đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư.

Trước đó, trao đổi với người viết, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương nhận định RCEP là bước tiến quan trọng để các nước  ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Australia hợp tác kinh tế, giảm thuế, tạo điều kiện cho các sản phẩm của Việt Nam đi vào các thị trường này thuận lợi hơn.

Mặt khác, ông Doanh cho rằng hiệp định này đặt ra thách thức nghiêm khắc với thị trường trong nước bởi vì sản phẩm của các nước khác cũng sẽ vào Việt Nam và được giảm thuế như vậy.

"Sản phẩm của họ rẻ thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng với những người sản xuất, kinh doanh lại chịu áp lực cạnh tranh lớn. Rất mong chính phủ cắt giảm các giấy phép con, đẩy mạnh việc chuyển sang sử dụng nền kinh tế số thì chúng ta có thể cạnh tranh được", ông Doanh nhận định

Theo ông Doanh đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức rất lớn. Hàng hóa rẻ, thuế giảm, do đó rủi ro nhập siêu lớn. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện chỉ hơn Myanmar, Lào, Campuchia.

Để tận dụng những cơ hội từ RCEP, theo ông Doanh, đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh liên kết với nhau và sẽ tạo năng lực cạnh tranh mới

"Cơ hội tăng nhưng đồng nghĩa áp lực cạnh tranh cũng lớn. Vấn đề là ai là người tận dụng tốt các cơ hội này người đó sẽ thắng", ông Doanh nhận định.

H.Mĩ