|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngân hàng Singapore: Việt Nam lọt top 3 nhận vốn FDI nhiều nhất khối ASEAN+6, xu hướng cao hơn cả Singapore

16:45 | 16/02/2022
Chia sẻ
Theo Ngân hàng DBS Singapore, dòng vốn vào Việt Nam đang có xu hướng cao hơn, và được xếp hạng trong ba nước nhận nhiều FDI nhất trong khối ASEAN+6.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng DBS Singapore đã đưa ra những nhận định về lợi thế của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP).

Các chuyên gia DBS cho rằng, trong bối cảnh diễn biến đại dịch COVID-19 vẫn còn khó lường và căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nền kinh tế được hưởng lợi chính từ Hiệp định RCEP trong khu vực ASEAN, bên cạnh các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dẫn tính toán của UNCTAD, báo cáo của DBS nhấn mạnh các mức thuế hiệu quả của Việt Nam đối với thương mại nội khối RCEP ở mức trung bình và thấp hơn so với Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy nhiên, do mức độ hội nhập thương mại đang ở mức cao, Việt Nam vẫn sẽ nằm trong số các nền kinh tế ASEAN có thể được hưởng lợi phần nào từ việc cắt giảm thuế quan.

Ngân hàng Singapore: Việt Nam lọt ba quốc gia nhận vốn FDI nhiều nhất khối ASEAN+6, xu hướng cao hơn cả Singapore - Ảnh 1.

Nhiều cơ hội về hợp tác thương mại và đầu tư được mở ra khi thực thi hiệp định RCEP. (Ảnh minh họa: AFP).

Ngoài ra, báo cáo của DBS còn cho rằng việc tham gia Hiệp định RCEP còn mang lại lợi ích cho Việt Nam trong việc tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

"Dù Singapore tiếp tục nhận được tỷ trọng lớn của FDI, dòng vốn vào Việt Nam đang có xu hướng cao hơn, và được xếp hạng trong ba nước nhận nhiều FDI nhất trong khối ASEAN+6 (ASEAN cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand). Việt Nam tiếp tục có nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", báo cáo của DBS cho hay.

Trong khi đó, hội nhập thương mại giữa Việt Nam và các thành viên RCEP đã ở mức cao và sẽ ngày càng chặt chẽ hơn khi các công ty khai thác lợi ích của RCEP.

Báo cáo cũng lưu ý RCEP mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng cường xuất khẩu sang các đối tác thuộc hiệp định, cũng như liên tục nhập khẩu một lượng hàng hóa đáng kể từ các đối tác RCEP.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 đã tăng lên khoảng 240 tỷ USD, tăng gần 70% so với mức của năm 2012. Về xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác RCEP vẫn ở mức cao.

Trong đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã tăng lên 96 tỷ USD vào năm 2021, gần gấp 5 lần so với năm 2012.

Được ký kết vào tháng 11/2020 và có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, RCEP quy tụ 10 quốc gia thành viên ASEAN, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26.200 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.

RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

Phương Trang