Anh muốn gia nhập TPP sau Brexit
Nhật Bản thúc giục các nước ký kết TPP 11 vào tháng 3/2018 |
Các bộ trưởng nhấn mạnh không có giới hạn vị trí địa lý trong các cuộc đàm phán không chính thức với các thành viên của TPP. |
Đề xuất này, do ông Liam Fox, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh xây dựng, sẽ đưa Anh trở thành thành viên đầu tiên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có biên giới với Thái Bình Dương hay Biển Đông.
Động thái này sẽ giúp truyền sinh khí cho TPP, một khởi xướng quan trọng của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi ông Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 1 năm ngoái.
11 thành viên còn lại của tổ chức, gồm Australia, Nhật Bản và Mexico thống nhất hồi tháng 11 năm ngoái sẽ duy trì với một thỏa thuận phiên bản mới, với tên gọi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Những cuộc đàm phán của Anh về việc tham gia vào tổ chức thương mại diễn ra khi ông Fox thực hiện chuyến công du trong 3 ngày nhằm thu hút doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Greg Hands, một bộ trưởng thương mại Anh, cho biết không có giới hạn địa lý trong việc Anh gia nhập TPP.
Tuy nhiên, việc tiếp cận của Anh gần như phải chờ cho tới khi TPP chính thức "sống lại", và Anh thống nhất mối quan hệ hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU).
Quan hệ thương mại của Anh với các quốc gia TPP khá nhạt nhòa khi so với các thành viên EU khác hoặc Mỹ.
Theo số liệu tổng hợp của Observatory of Economic Complexity, Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất của TPP, chỉ chiếm 1,6% hàng hóa xuất khẩu của Anh trong 2016.
Còn toàn bộ 11 thành viên TPP chiếm dưới 8% hàng hóa xuất khẩu của Anh vào năm ngoái, trong khi đó chỉ tính riêng Đức đã chiếm tới 11%.
Tương tự với xuất khẩu dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác của Anh. Trong nửa đầu năm ngoái, Anh xuất khẩu gần 1,7 tỷ bảng giá trị dịch vụ sang Nhật, khoảng 1/10 giá trị ngành dịch vụ xuất khẩu của Anh sang Mỹ, đạt 16,6 tỷ bảng Anh.
Quan chức các quốc gia thành viên TPP dự định sẽ ký kết thỏa thuận mới vào đầu năm 2018, nhưng đang cố gắng giải quyết một số vấn đề nổi lên vì Canada. Một quan chức cho rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về sự gia nhập của Anh trước khi Brexit hoàn thành.
Thời điểm được hình thành vào năm 2015, TPP được dự tính là một nền tảng cho sự hợp nhất kinh tế khu vực thay vì một tổ chức có thể hợp tác với các thành viên châu Âu. Tuy nhiên, một số quốc gia TPP đang đón nhận ý tưởng có một nền kinh tế thuộc G7 là thành viên. Các quan chức Anh đã đưa ra ý tưởng này trong buổi họp với các đối tác đến từ Australia, New Zealand và một số quốc gia TPP khác trong mấy tháng gần đây.
Mặc dù vậy, Công đảng Anh chỉ trích ý tưởng này của chính phủ, nói rằng họ nên tập trung hơn tới những quốc gia láng giềng, đặc biệt là với châu Âu.
“TPP có thể là một đối tác tốt nhưng không phải đối tác chính”, ông Barry Gardiner, thành viên Công đảng đối lập Anh cho biết.
Theo đúng quy định, Anh không thể ký các thỏa thuận thương mại trước khi rời EU, được dự kiến vào tháng 3/2019. Gia nhập TPP có thể làm giảm quá trình thảo luận kéo dài so với đàm phán thương mại với từng thành viên. Tuy nhiên, bộ thương mại Anh có thể quyết định theo đuổi hợp tác song phương. Phần lớn nhiệm vụ của họ là tập trung vào thu hút vốn đầu tư trực tiếp vào Anh.
TPP có thể giảm thuế nhập khẩu đối với một loạt các mặt hàng, gồm sản phẩm nông nghiệp, và dịch vụ. Thỏa thuận được xây dựng để tăng tính ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á, nhưng cả ông Trump và đối thủ của ông trước đó trong cuộc bầu cử tổng thống là bà Hillary Clinton đều chỉ trích nó vì ảnh hưởng của thỏa thuận tới việc làm của người dân Mỹ.
Nội các Anh vẫn chưa thảo luận về khả năng trở thành thành viên TPP của Anh. Ông Michael Gove, Bộ trưởng Môi trường Anh, phát biểu hồi tháng 12/2017 rằng quốc hội Anh sẽ có quyền phủ quyết đối với bất kỳ một thỏa thuận thương mại nào.