|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ấn Độ thay đổi yêu cầu ngay phút chót, gây rủi ro cho hiệp định thương mại lớn nhất thế giới

08:11 | 31/10/2019
Chia sẻ
Ấn Độ tiếp tục đưa ra yêu cầu vào phút chót sau khi đồng ý các điều khoản của RCEP - thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, khiến các nhà lãnh đạo châu Á khó có thể tuyên bố về một đột phá tại hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok vào tuần tới.
doanh-nghiep-viet-nen-ky-vong-gi-vao-rcep

Thỏa thuận RCEP lấy 10 nước ASEAN làm trung tâm, bên cạnh 6 đối tác khác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand và Australia. (Ảnh: The Asean Post)

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết chỉ vài ngày trước, Ấn Độ đã chọc giận phái đoàn đàm phán của các nước khác thông qua việc đưa ra yêu cầu bổ sung về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Trung Quốc rất ủng hộ.

Các nhà lãnh đạo đã lên kế hoạch công bố một thỏa thuận sơ bộ vào ngày 4/11 trong cuộc họp do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức.

Nguồn tin cho biết các nhà đàm phán vẫn tự tin họ có thể đạt được thỏa thuận giảm thuế quan, còn được gọi là hiệp định RCEP, tại cuộc họp đã lên lịch trình vào ngày 7/11 ở Bangkok. Bất kì thông báo nào cũng sẽ mở đường giúp các nước thành viên hoàn thiện chi tiết khung pháp lí trong vài tháng tới.

Một bước đột phá sau 7 năm đàm phán sẽ đánh dấu chiến thắng lớn cho nỗ lực tự do hóa thương mại trong kỉ nguyên thuế quan tăng cao và chủ nghĩa dân tộc hồi sinh.

Thỏa thuận RCEP còn kết nối các nền kinh tế châu Á với Trung Quốc tại thời điểm Tổng thống Donald Trump đang tìm cách thuyết phục châu Á tránh xa các khoản vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ 5G của Trung Quốc.

Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã quyết định tăng một số loại thuế quan và từ lâu đã trở thành vật cản chính của RCEP bởi nước này ra sức phản đối thỏa thuận vì lo ngại hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ ngập tràn trên thị trường nội địa.

Thủ tướng Modi đã đồng ý tiến tới thỏa thuận chung sau khi nhận được sự đảm bảo cá nhân từ Chủ tịch Tập Cận Bình trong một buổi gặp mặt không chính thức hồi đầu tháng này, Bloomberg dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho hay.

1

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi gặp riêng hôm 11/10 tại Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Bắc Kinh từ lâu đã cố gắng chốt thỏa thuận RCEP với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN.

"Một nguồn năng lượng mới" trong chính phủ Ấn Độ 

Tuy nhiên, Ấn Độ lại đưa ra yêu cầu mới sau khi các bên hoàn tất nội dung thỏa thuận RCEP, theo đó nước này muốn thay đổi các mức thuế quan cơ bản cũng như bộ qui tắc cụ thể về sản phẩm.

Hai quan chức Ấn Độ cho biết chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ buộc Trung Quốc và các bên liên quan nhượng bộ hơn nữa. Tuy nhiên có khả năng Ấn Độ vẫn đi đến kí kết thỏa thuận vì lo ngại bị loại ra khỏi tuyên bố chính thức, khiến họ phải đàm phán lại với các nước trên cơ sở song phương.

"Tôi khá hoài nghi về khả năng 16 nước thành viên sẽ kí kết thỏa thuận RCEP vì thái độ không nhượng bộ của Ấn Độ", ông Richard Rossow, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (Washington), cho hay.

"Tuy nhiên, kể từ khi ông Modi tái đắc cử, dường như có một nguồn năng lượng mới đứng sau việc hoàn tất thỏa thuận, bất chấp nhiều lo ngại nghiêm trọng xoay quanh cách RCEP tác động đến cán cân thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc".

Ngoại trừ Trung Quốc, Ấn Độ sẽ giảm thuế quan cho hơn 90% hàng hóa của phần lớn thành viên RCEP, trong đó một số mức thuế sẽ giảm dần theo khung thời gian 10, 15 và 20 năm.

Theo một nguồn tin khác, Ấn Độ có kế hoạch xem thỏa thuận RCEP như một chiến thắng về mặt chính trị vì thuế quan sẽ không có hiệu lực trong vòng 10 năm.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn lo lắng rằng ngành sản xuất địa phương sẽ gặp khó khi thuế quan giảm và bộ phận nông dân nghèo khổ, ít am hiểu công nghệ và hoạt động manh mún sẽ không thể cạnh tranh lại.

"Việc gia nhập RCEP không phải là một chiến lược tốt về chính trị hay địa chính trị của chính phủ Ấn Độ", ông Ashwani Mahajan, người đồng điều phối tổ chức Swadeshi Jagran Manch (một nhóm liên kết với Đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng Modi), cho biết.

"RCEP không khác gì một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc nên nó sẽ là một thảm họa đối với doanh nghiệp Ấn Độ. Chúng tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thương mại và làm rõ rằng Ấn Độ nên đứng ngoài thỏa thuận này".

Theo ông Juan Sebastian Cortes-Sanchez, nhà phân tích chính sách thương mại cấp cao tại Trung tâm Thương mại châu Á (Singapore), các bên nhiều khả năng vẫn sẽ nhất trí về thỏa thuận RCEP ngay cả khi thỏa thuận chưa hoàn thiện.

"Tôi không nghĩ chúng ta có thể kì vọng về một thỏa thuận hoàn chỉnh và rõ ràng, với đầy đủ biểu thuế, thông tin và nội dung từng chương", ông Cortes-Sanchez nhận định. "Nhưng chúng tôi hi vọng các thành viên có thể kí một thỏa thuận giúp họ tiến về phía trước".

Yên Khê