|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

RCEP: Khi Ấn Độ vẫn cần Trung Quốc

21:14 | 08/09/2019
Chia sẻ
Ấn Độ đang phải đối mặt với áp lực quyết liệt và đối nghịch từ trong nước khi đàm phán Hiệp định RCEP - một hiệp ước thương mại tự do khổng lồ về quy mô và phạm vi ảnh hưởng.


RCEP: Khi Ấn Độ vẫn cần Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại một cuộc họp về RCEP ở Singapore tháng 11/2018. (Nguồn: Reuters)

RCEP hướng tới tạo ra một khu vực thương mại tự do gồm 10 nước ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. 

Điều này sẽ biến một khu vực đang chiếm 34% GDP thế giới, 40% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần một nửa dân số hành tinh trở thành một khu vực phi thuế quan.

Trong khi đó, các quốc gia còn lại đang thúc giục Ấn Độ và mong muốn sớm kết thúc đàm phán RCEP vào tháng 11 năm nay.

Nhiều rào cản

Một trong những “rào cản” đến từ ngành công nghiệp Ấn Độ khi ngành này đang phải vật lộn cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, New Delhi vẫn gặp nhiều khó khăn khi chưa biết cách xử lý khoản thâm hụt thương mại 59 tỷ USD với Trung Quốc - nền kinh tế có tổng GDP lớn gấp 5 lần của Ấn Độ.

Để ngăn chặn thực trạng này, Chính phủ Ấn Độ gần đây đã tăng hàng rào thuế quan, dựa vào các biện pháp bảo vệ và điều tra chống bán phá giá để kiềm chế nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn từ Trung Quốc, hỗ trợ các nhà sản xuất bản địa.

Với định hướng phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng mặt trời trong tương lai, Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu rất nhiều tấm pin và pin mặt trời từ Trung Quốc. 

Triển vọng cắt giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh vì thế vẫn ngày càng ảm đạm. Đây cũng là một trong những lý do khiến New Delhi “chần chừ” khi bước vào hiệp ước thương mại tự do RCEP.

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn khá miễn cưỡng mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu Ấn Độ, đặc biệt là mặt hàng dược phẩm thông qua những hàng rào thuế quan và các quy trình, quy định thông quan phức tạp.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal đã bỏ qua một cuộc họp cấp Bộ trưởng gần đây về RCEP tại Bắc Kinh vào đầu tháng Tám. Điều này cho thấy Ấn Độ đã “không vội vàng” kết thúc sớm đàm phán RCEP, bất chấp áp lực quốc tế.

Tháng 12/2018, Chính phủ Ấn Độ từng đặt hàng 3 đơn vị tư vấn độc lập, gồm Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế của Ấn Độ, Trung tâm Thương mại Khu vực đặt tại New Delhi, và một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại quốc tế đồng thời là giáo sư tại trường IIM-Banglore, ông Rupa Chanda, nhằm đánh giá “lợi ích và tổn thất thật sự” của RCEP đến Ấn Độ trong dài hạn.

RCEP có thể sẽ tiến tới xóa bỏ 80-90% dòng thuế trong lộ trình 20 năm, đi kèm một danh mục hàng hóa loại trừ không phải miễn thuế. Danh sách loại trừ làm một số nhà sản xuất an tâm, vì thuế quan không bị xóa bỏ sẽ giúp cho thị phần trong nước của họ không bị tấn công bởi hàng hóa nhập khẩu giá rẻ.

Ông Vinod Sharma, Giám đốc điều hành của Deki Electronics, doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc ví RCEP không khác gì một thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc. 

Ấn Độ sẽ thua thiệt và Trung Quốc sẽ hưởng lợi. “Một khi hiệp định được thực thi, Ấn Độ sẽ phải mở cửa thị trường nhiều hơn cho Trung Quốc, và thâm hụt thương mại sẽ tăng thêm”, ông nói.

Điểm đến cho đầu tư Trung Quốc

Các chuyên gia nhận định để có những cam kết chính trị tích cực ủng hộ các cuộc đàm phán, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải thảo luận với Bắc Kinh nhằm hướng đến một thỏa thuận thương mại đôi bên cùng có lợi.

Và để bảo vệ lợi ích thương mại của mình, đặc biệt là việc tận dụng làn sóng tẩy chay Huawei của Mỹ để phát triển công nghệ 5G trong nước, Ấn Độ vẫn phải bắt tay với Trung Quốc và các đối tác RCEP khác.

Bản thân Bắc Kinh cũng muốn New Delhi bỏ qua những quan ngại liên quan đến chiến dịch của Mỹ nhằm cô lập Huawei và cho phép “ông lớn” công nghệ Trung Quốc triển khai 5G. Điều này rất có thể sẽ mang lại những “đòn bẩy” cho ông Modi tại các cuộc đàm phán RCEP sắp tới

Dự án đầy tham vọng của Trung Quốc - Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) cũng được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội cho Ấn Độ. 

Ấn Độ có thể thu hút nguồn vốn đầu tư từ Sáng kiến này để giúp nâng cấp đường bộ, mạng lưới đường sắt và cảng, mà không cần chính thức gia nhập BRI. Đầu tư của Trung Quốc sẽ góp phần làm gia tăng phần đóng góp Bắc Kinh trong sự thịnh vượng của Ấn Độ.

Các nước RCEP hiện đang chiếm 1/4 GDP toàn cầu, 1/4 đầu tư trực tiếp nước ngoài và gần 1/3 thương mại thế giới, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu quốc gia về chuyển đổi Ấn Độ. Đây cũng là một chuỗi cung ứng tiềm năng cho Ấn Độ.

Tiền lương tăng, sự tẩy chay ngày càng tăng của Mỹ và châu Âu đối với đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp công nghệ, sẽ khiến Trung Quốc tìm kiếm các cơ hội trong khu vực. 

Ấn Độ, với chính phủ ổn định, quy mô thị trường lớn và lao động rẻ hơn, có thể là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Hơn nữa, Ấn Độ không thể bỏ qua lợi ích tiềm năng từ một cam kết sâu sắc hơn với Trung Quốc - quốc gia đã nhập khẩu 2,1 nghìn tỷ USD hàng hóa vào năm 2018. 

Điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ đang chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ; EU đang đấu tranh để đối phó với mớ hỗn độn Brexit; và Trung Đông đang gặp rắc rối vì sự phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.

Gần đây, quyết định loại bỏ Ấn Độ ra khỏi danh sách các quốc gia mà một số nước nhập khẩu của Mỹ được miễn thuế và việc thắt chặt các quy tắc nhập cư được cho là sẽ làm tổn hại đến xuất khẩu của Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc tìm kiếm các thị trường thay thế như Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp cạnh tranh nhất về giá cả các đầu vào và thiết bị công nghiệp quan trọng bao gồm các thành phần dược phẩm, điện tử và viễn thông.

Quy mô thị trường của RCEP được dự báo là phương tiện để tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu toàn cầu của Ấn Độ từ dưới 2% lên 4% - một yếu tố cần thiết để biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ USD vào năm 2022 như mục tiêu mà ông Modi đã đặt ra.