Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng chậm nhất trong 6 năm
Trong quí 2-2019, GDP của Ấn Độ chỉ tăng trưởng 5%, mức thấp nhất trong 6 năm qua. Ảnh: Times of India
Số liệu của chính phủ Ấn Độ công bố hôm 30-8 cho thấy GDP của Ấn Độ chỉ tăng trưởng 5% trong quí 2-2019, thấp hơn mức dự báo 5,7% của các nhà kinh tế và chậm hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 8% của quí 2 năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 3-2013 của Ấn Độ.
Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ chững lại chủ yếu vì tiêu dùng tư nhân, hoạt động sản xuất và ngành nông nghiệp tăng trưởng yếu ớt. Trong quí 2, tiêu dùng tư nhân, vốn là động lực tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong nhiều năm qua, chỉ tăng 3,1%, mức thấp nhất trong 18 quí qua. Tăng trưởng sản xuất chỉ đạt mức 0,6% so với mức tăng 12,1% vào cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, ngành nông lâm ngư nghiệp tăng 2%, cũng chậm hơn nhiều so với mức tăng 5,1% của quí 2 năm ngoái.
Đà tăng trưởng suy yếu của Ấn Độ đã kéo dài một năm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Giá thực phẩm và lương công nhân xây dựng giảm đã gây áp lực lớn cho cuộc sống của lực lượng dân số nông thôn khổng lồ của Ấn Độ.
“Tăng trưởng cả năm 2019 của Ấn Độ hoàn toàn có thể rơi về mức dưới 6%”, Priyanka Kishore, Giám đốc phụ trách nghiên cứu kinh tế Ấn Độ và Đông Nam Á của công ty Oxford Economics, viết trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 30-8.
Một vài khu vực trong nền kinh tế Ấn Độ đang gặp khó khăn trrong những tháng gần đây. Ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ đã sa thải hàng trăm ngàn công nhân trong những tháng vừa qua và các công ty hàng tiêu dùng nhanh như Unilever đã phải giảm giá bán vì nhu cầu yếu.
Chỉ mới cách đây 2 năm, thị trường ô tô Ấn Độ tăng trưởng bùng nổ , thu hút các hãng xe toàn cầu đổ xô đến đầu tư ở nước đông dân thứ hai thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường đã đảo chiều.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ (SIAM) cho biết doanh số xe con ở Ấn Độ giảm 31% trong tháng 7, nối dài đà giảm lên 9 tháng liên tiếp. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong 18 năm qua. Ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ đình đốn vì nhiều nguyên nhân.
Ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ đang đối mặt cuộc khủng hoảng khi doanh số xe giảm trong 9 tháng liên tiếp. Ảnh: Reuters
Thứ nhất, các quy định về khí thải và an toàn mới khiến giá bán ô tô ở Ấn Độ tăng đáng kể. Thứ hai, tình hình khó khăn ở nhiều ngân hàng cho vay tiêu dùng làm hạn chế khả năng cho vay mua ô tô của họ. Cuối cùng là đà tăng trưởng chậm của nền kinh tế đang khiến người tiêu dùng lo lắng và không dám chi tiêu lớn.
Kể từ khi tái đắc cử nhờ chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển hồi tháng 5, Thủ tướng Modi và chính phủ của ông đã sốt sắng vực dậy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Cách đây một tuần, chính phủ Ấn Độ thông báo gói kích thích kinh tế bao gồm miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp, cho vay mua xe và mua nhà với lãi suất thấp đồng thời bơm 700 tỉ rupee (9,8 tỉ đô la) vào các ngân hàng nhà nước.
Vài ngày sau đó, chính phủ thông báo các quy định về đầu tư nước ngoài sẽ được nới lỏng và sẽ mở cửa ngành công nghiệp than khổng lồ của nước này.
Hôm 30-8, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman thông báo 10 trong số các ngân hàng nhà nước Ấn Độ sẽ sáp nhập lại thành bốn ngân hàng lớn để tăng cường năng lực cho vay kinh doanh.
Priyanka Kishore, Giám đốc phụ trách nghiên cứu kinh tế Ấn Độ và Đông Nam Á của công ty Oxford Economics, nói: “Đây là những bước đi tích cực nhưng khó có khả năng dẫn đến phục hồi tăng trưởng nhanh chóng”.
Devendra Pant, nhà kinh tế trưởng của chi nhánh của hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch tại Ấn Độ, cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế mà chính phủ Ấn Độ mới đưa ra chỉ có tác dụng trong trung hạn. Ông nói: “Không có giải pháp nào giúp chấn chỉnh nhanh chóng nào đối với đà tăng trưởng suy yếu của Ấn Độ đã hình thành trong vài năm qua”.
Thủ tướng Narendra đang nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) trong nỗ lực vực dậy tăng trưởng kinh tế. Kể từ đầu năm đến nay, RBI đã hạ lãi suất 4 lần về mức thấp trong 9 năm qua. Hồi đầu tuần, RBI cũng thông báo chuyển 25 tỉ đô la từ khoản dự trữ vượt mức cho chính phủ. Devendra Pant dự báo RBI sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần nữa trong năm nay để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.