|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỳ vọng gì khi tham gia RCEP?

12:01 | 03/06/2019
Chia sẻ
Hiệp định RCEP bao phủ khu vực có thị trường tiêu thụ lên tới một nửa dân số thế giới, có quy mô GDP gấp đôi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới có hiệu lực.

Nhưng đây được cho là khu vực sẽ cạnh tranh gay gắt không chỉ ở thị trường quốc tế mà cả ở thị trường trong nước đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Kỳ vọng gì khi tham gia RCEP? - Ảnh 1.

Cán cân thương mại của Việt Nam so với các nước đối tác trong quí 1. Đvt: tỉ đô la Mỹ. Nguồn: Tổng cục Thống kê


Tiếp cận 80% nguồn nguyên liệu thế giới


Các quan chức cấp cao của 16 nước thành viên RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) đã nhóm họp tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 24-5 nhằm hướng tới hoàn tất đàm phán trong năm 2019.

Mục tiêu trên được cho là tham vọng khi tới nay mới chỉ có 6/18 chương đã hoàn tất đàm phán, trong đó sau nhiều nỗ lực mới kết thúc đàm phán được năm chương vào năm ngoái. Lãnh đạo các quốc gia thành viên đang đẩy nhanh tiến trình nhằm sớm đi đến ký kết trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng tăng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng và nhiều yếu tố kinh tế bất định khác.

RCEP, trải qua 6 năm với 25 phiên đàm phán, là hiệp định thương mại tự do đa phương, giống như CPTPP nhưng có quy mô lớn hơn nhiều, bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, 3 quốc gia khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), 2 quốc gia khu vực châu Đại Dương (Úc, New Zealand) và quốc gia Nam Á là Ấn Độ. Đây là thị trường chiếm một nửa dân số thế giới, 30% GDP, 28% tổng lượng thương mại toàn cầu.

RCEP khác với các hiệp định thương mại đa phương khác khi chỉ bao gồm các thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thỏa thuận thương mại này được đánh giá kém tham vọng hơn so với CPTPP hay EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), khi chủ yếu liên quan tới thương mại, trong khi đặt ra những yêu cầu rất cơ bản cho các vấn đề gai góc như quyền sở hữu trí tuệ, môi trường và doanh nghiệp nhà nước. Trong số 16 quốc gia thành viên RCEP, hơn một nửa thành viên hiện đang thuộc CPTPP, gồm Singapore, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Nhật Bản, Úc và New Zealand.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi tham gia hiệp định này các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, có quy mô GDP gấp đôi hiệp định CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay.

Ví dụ, Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác. “Đây là khu vực tạo điều kiện lớn nhất cho Việt Nam thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan”, bà Trang nói.

Hiện nay, ASEAN đã có hiệp định thương mại tự do với 6 đối tác là thành viên RCEP, bao gồm Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand và Ấn Độ, song, theo bà Trang, điểm cộng của RCEP so với các hiệp định trước đó là “mức thuế có thể tốt hơn mức thuế hiện tại, quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn, giảm thiểu các biện pháp phi thuế quan, từ đó tăng khả năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam”.

Ngoài Nhật Bản, Úc, New Zealand, các thị trường còn lại không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, phù hợp với trình độ sản xuất của phần lớn doanh nghiệp trong nước. Điểm hấp dẫn nữa của RCEP là doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc theo nguyên tắc chung được đưa ra trong thỏa thuận thương mại này.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Kỳ vọng gì khi tham gia RCEP? - Ảnh 2.

Nguồn: Nikkei Asian Review


Trong giai đoạn từ tháng 4-2018 tới tháng 1-2019, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang khu vực này đạt 55,3 tỉ đô la Mỹ trong khi nhập khẩu lớn gấp ba lần xuất khẩu. Điều này khiến thâm hụt thương mại của Ấn Độ trong khối RCEP lên tới hơn 90 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng từ Trung Quốc là 53,4 tỉ đô la Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trước thềm cuộc đàm phán RCEP diễn ra tại Bangkok bắt đầu từ ngày 24-5, các hiệp hội doanh nghiệp sản xuất đồng, nhôm của Ấn Độ lên tiếng cảnh báo về khả năng tăng nhập siêu từ Trung Quốc khi RCEP có hiệu lực.

Còn Việt Nam, thâm hụt thương mại lâu nay với các quốc gia nội khối RCEP cũng khiến nhiều người quan ngại tình trạng này sẽ ngày càng căng thẳng khi hiệp định có hiệu lực. Hiện nay, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN là những đối tác mà Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn nhất.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính, cho hay, nếu nhìn cán cân thương mại thì thấy “rất đáng lo” khi Việt Nam có thâm hụt thương mại với hầu hết các đối tác trong khối. Nhưng nếu nhìn vào cơ cấu kinh tế, khu vực này đang cung cấp khoảng 80-90% đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

“Chúng ta không kỳ vọng nhiều vào xuất khẩu, nhưng chúng ta lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu khối này để tạo năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam”, ông Tuấn Anh nói.

Là thị trường chiếm một nửa dân số thế giới, nhưng đây không phải là thị trường tiêu thụ mạnh sản phẩm “made in Vietnam”. Ông Trần Việt Tiến, giám đốc một doanh nghiệp chế biến gỗ, đồng thời là thành viên trong ban điều hành Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), nói: “Đây là khối các nước sản xuất, không phải là khối có thị trường tiêu thụ nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp”.

Hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand là thị trường lớn của ngành gỗ nhưng những thị trường này đều đã có thỏa thuận thương mại trước đó với Việt Nam. Liên quan tới nguồn gỗ nguyên liệu, RCEP cũng không phải thị trường chính cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ ngành. “Phần lớn doanh nghiệp gỗ vẫn chưa chuẩn bị nhiều cho RCEP”, ông Tiến nhận xét. “Các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới các thị trường trong khối CPTPP và EVFTA".

Cho tới nay vẫn chưa có kết quả đàm phán cuối cùng. Song, bà Trang cho rằng có hai điểm doanh nghiệp cần lưu ý với RCEP.

Thứ nhất, lợi ích của RCEP chủ yếu liên quan tới hài hòa quy tắc xuất xứ và thuế quan. Do đó, để tận dụng được lợi ích từ hiệp định này, doanh nghiệp phải nghiên cứu về quy tắc xuất xứ. Hơn nữa, quy tắc xuất xứ đang được đàm phán nhằm khắc phục những bất cập hiện tại trong các FTA đang có. Vì vậy, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn gì liên quan tới quy tắc xuất xứ cần phản hồi ngay với đoàn đàm phán RCEP.

Thứ hai, cạnh tranh trong RCEP sẽ mạnh hơn, không chỉ ở thị trường trong nước mà ở cả các thị trường RCEP. Ví dụ, giữa Trung Quốc và Ấn Độ, giữa Trung Quốc và Nhật Bản chưa có FTA, nhưng với RCEP, họ sẽ có thỏa thuận thương mại. Như vậy, cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tăng lên.

“Dù sao thương hiệu sản phẩm Việt Nam cũng được đánh giá cao tại khu vực và thế giới. Nếu các doanh nghiệp biết khắc phục nhược điểm như tính không chuyên nghiệp, không đồng đều sản phẩm, chất lượng, tăng hiệu quả quy trình sản xuất, doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng được cơ hội từ RCEP”, bà Trang nói.

Vũ Dung

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.