Ấn Độ đã sẵn sàng để trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD
Trong bài phân tích đăng tải trên tờ Times of India, nghiên cứu viên cao cấp Rajeev Gupta khẳng định Ấn Độ đang đứng ở một thời điểm then chốt trong lịch sử, sẵn sàng để trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Mục tiêu đầy tham vọng này do Thủ tướng Narendra Modi đặt ra, phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước và những cải cách đầy tham vọng do chính phủ của ông thực hiện.
Nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ
Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Ấn Độ là 7,4% vào năm 2023 và 6,1% vào năm 2024, vượt mức trung bình toàn cầu. Sự tăng trưởng bền vững được thúc đẩy bởi sự cải cách chính sách, tập trung vào một số yếu tố.
Thứ nhất là về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Cuộc cách mạng kỹ thuật số của Ấn Độ, dẫn đầu bởi các sáng kiến như Digital India và Aadhaar, đã thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp và cá nhân. Điều này thúc đẩy thương mại điện tử, tài chính toàn diện và khả năng tiếp cận thông tin, tạo ra những cơ hội mới, đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Với sáng kiến “Make in India” đã được Chính phủ Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, nhằm mục đích biến nước này thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, hoạt đông sản xuất của Ấn Độ được chú ý nhiều hơn. Điều này thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể và thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần tạo việc làm, cũng như tăng trưởng xuất khẩu.
Không những vậy, trong những năm qua, New Delhi đã đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ đã bắt tay vào một kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trong nước, bao gồm đường bộ, đường sắt, sân bay và cảng. Sự cải thiện cơ sở hạ tầng giữ vai trò quan trọng để tạo thuận lợi cho thương mại, di chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế tổng thể.
Đáng lưu ý, Ấn Độ đang sở hữu một nguồn tài nguyên con người phong phú và đa dạng về hệ sinh thái khởi nghiệp mới nổi. Quốc gia Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về tinh thần kinh doanh, với hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động đang thúc đẩy sự đổi mới và năng động kinh tế. Các chính sách và sáng kiến hỗ trợ của chính phủ đã giúp nuôi dưỡng hệ sinh thái này, tạo ra nhiều doanh nghiệp và việc làm mới.
Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, Chính phủ của Thủ tướng Modi đã tập trung cải cách và sáng kiến chính sách, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Những cải cách này bao gồm tinh giản các quy định và nới lỏng quy trình kinh doanh ở Ấn Độ, làm gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào đổi mới và khuyến khích khởi nghiệp; tập trung vào phúc lợi xã hội.
Chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình phúc lợi xã hội khác nhau nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cung cấp giáo dục cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Những sáng kiến này đã góp phần cải thiện mức sống và tăng nhu cầu tiêu dùng.
Mục tiêu trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD
Mặc dù Ấn Độ đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD, song vẫn còn một số thách thức cần vượt qua. Trước hết là về vấn đề lao động, Nước này sẽ cần phải trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang thay đổi là rất quan trọng. Ngoài ra, cần giải quyết những khoảng trống về cơ sở hạ tầng.
Mặc dù đã có những khoản đầu tư đáng kể, nhưng cơ sở hạ tầng vẫn là một thách thức lớn và cần phải cải thiện hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng nhưng không đồng đều với khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn là rất lớn.
Điều này đòi hỏi sự cần thiết phải tập trung và phát triển nông thôn, mang lại sự thịnh vượng kinh tế cho khu vực nông thôn và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị là rất quan trọng để đạt được tăng trưởng toàn diện.
Trong môi trường kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay, Ấn Độ cần phải chuẩn bị để có thể đối mặt với một số cơn gió ngược, bao gồm căng thẳng địa chính trị và lãi suất tăng cao, có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, Ấn Độ hiện có đủ điều kiện để vượt qua chúng và đạt được các mục tiêu kinh tế. Cam kết cải cách của chính phủ, cùng với các yếu tố cơ bản vững chắc và lợi tức dân số của đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững.
Nếu Ấn Độ đạt thành công mốc quy mô kinh tế 5.000 tỷ USD vào năm 2028, điều này sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với đất nước và nền kinh tế toàn cầu. Thành tựu đó cũng sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ như một cường quốc kinh tế, thu hút thêm đầu tư nước ngoài và tạo ra cơ hội mới cho hàng triệu người, đồng thời góp phần vào sự tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này đòi hỏi phải tiếp tục cam kết cải cách, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục, đồng thời tập trung vào tăng trưởng toàn diện. Bằng cách giải quyết những thách thức hiện có và tận dụng thế mạnh của mình, Ấn Độ có tiềm năng không chỉ đạt được mục tiêu 5.000 tỷ USD mà còn trở thành nước dẫn đầu kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới.