Ấn Độ: Ánh bình minh của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương
Thị trường chứng khoán bứt phá
Hiệp hội Các sàn giao dịch Thế giới cho biết, vào cuối tháng 11/2023, tổng giá trị vốn hoá thị trường của các công ty niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSE India) đạt 3.989 tỷ USD, so với mức vốn hoá 3.984 tỷ USD của Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong.
Thanh khoản tăng, nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường nhiều hơn, và các yếu tố bên ngoài thuận lợi như lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm gần đây là những yếu tố cùng tạo đà cho thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Theo số liệu của Bloomberg, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư ròng 12,2 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Ấn Độ trong năm nay. Dòng vốn này đã góp phần đưa các chỉ số chứng khoán NSE Nifty 50 và S&P BSE Sensex của chứng khoán Ấn Độ lên các mức cao kỷ lục.
Chỉ số NSE Nifty 50 tăng 16% trong năm nay và đang trên đà khép lại năm tăng thứ 8 liên tiếp. Trong khi đó, theo ước tính, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 17% trong năm nay, trên đà giảm năm thứ tư liên tiếp và là thị trường giảm mạnh nhất trong khu vực.
Ngân hàng HSBC nhận định ngân hàng, y tế và năng lượng là những lĩnh vực có tiềm năng nhất trong năm 2024. Các lĩnh vực như ô tô, bán lẻ, bất động sản và viễn thông cũng có triển vọng tương đối tốt trong năm tới, trong khi hàng tiêu dùng, các tiện ích và hóa chất là những lĩnh vực gặp khó khăn.
Nhờ sức hấp dẫn của nền kinh tế
Nhà phân tích về đầu tư Henry Ince tại công ty dịch vụ tài chính của Anh Hargreaves Lansdown cho rằng sức hấp dẫn nằm ở sức mạnh của nền kinh tế Ấn Độ.
Ấn Độ hiện là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Ấn Độ là 7,4% vào năm 2023 và 6,1% vào năm 2024, vượt mức trung bình toàn cầu. IMF nhận định nước này sẽ vượt Nhật Bản và Đức, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027.
Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy nhờ gần 70% dân số 1,4 tỷ người của Ấn Độ là trong độ tuổi lao động. Tiêu dùng, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu, sẽ là điều thu hút mối quan tâm của các nhà đầu tư. Vào năm 2050, Ấn Độ được dự báo sẽ chiếm gần 40% mức tiêu thụ của tầng lớp trung lưu toàn cầu, tăng đáng kể so với con số 5% hiện nay.
Bà Dina Ting, phụ trách quản lý danh mục đầu tư chỉ số toàn cầu tại công ty quản lý tài sản Franklin Templeton, cho rằng đây là một thị trường không thể bỏ qua. Theo bà, Ấn Độ đang được hưởng lợi từ cả chương trình cải cách trong nước và các xu hướng trên toàn cầu.
Ở trong nước, bà Ting chỉ ra một loạt cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng như áp dụng thuế đối với hàng hóa và dịch vụ trên toàn quốc thay cho nhiều loại thuế ở các địa phương cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, với kế hoạch xây dựng 80 sân bay trong 5 năm tới. Các cải cách và việc xây dựng cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt.
Trong nhiều trường hợp, Ấn Độ bị tụt lại xa về cơ sở hạ tầng, nhưng bà Ting tin rằng chính phủ nước này đang tập trung đầu tư lớn vào sân bay và máy bay. Nhờ đó, đầu tư trực tiếp nước này sẽ tăng, khi các công ty toàn cầu định hướng châu Á sau đại dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine (U-crai-na). Ấn Độ đang đơn giản hóa chuỗi cung ứng để có thể tiếp cận gần hơn đến nơi có nhu cầu, trong khi châu Á chiếm 60% dân số toàn cầu.
Trong khi đó, ông Dzmitry Lipski, người phụ trách nghiên cứu quỹ tại nền tảng đầu tư bán lẻ Interactive Investor, cho rằng Ấn Độ vẫn là nền kinh tế dựa vào chi tiêu tiêu dùng nhờ đó ít chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài so với một quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu. Chi tiêu tiêu dùng đóng góp tới 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ, Ngoài ra, Ấn Độ cũng có thế mạnh về công nghệ thông tin, với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Infosys, Wipro và Tata Consultancy Services. Thêm vào đó, các công ty lớn nhất trên thế giới đang do các kiều bào Ấn Độ điều hành và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Còn những e ngại
Tuy nhiên, dù tin tưởng vào khả năng đầu tư dài hạn tại Ấn Độ, ông Ince thận trọng cho rằng hiện không phải là thời điểm để đầu tư quá mức vào Ấn Độ trong danh mục đầu tư, khi thị trường nước này vượt các thị trường châu Á và mới nổi khác. Ông nói đến việc chỉ số S&P BSE Sensex đã tăng hơn 60% kể từ năm 2020, dù chỉ số của các thị trường mới nổi MSCI EM giảm 12%.
Giám đốc đầu tư phụ trách các thị trường mới nổi và nhóm châu Á - Thái Bình Dương của công ty tư vấn đầu tư JPMorgan Asset Management, Anuj Arora, cảnh báo chứng khoán Ấn Độ đang giao dịch ở giá trị tương đương với bốn lần trong 30 năm qua mà mỗi lần như vậy đều theo sau là một giai đoạn đình trệ kéo dài 5 năm.
Ông Lipski đồng ý rằng giá trị cổ phiếu tại Ấn Độ hiện cao hơn các thị trường mới nổi khác và cao hơn trước, nhưng phản ứng nên thận trọng, trừ khi nhà đầu tư nào đó chỉ đầu tư ngắn hạn.
Các nhà đầu tư nước ngoài hiện phải chịu mức thuế trên thặng dư vốn (CGT) 15% khi sở hữu cổ phiếu tại Ấn Độ trong dưới một năm, hoặc 10% với các cổ phiếu dài hạn hơn. Ấn Độ cũng duy trì một loạt hạn chế sở hữu nước ngoài với nhiều cổ phiếu. Điều này có thể làm phức tạp khả năng các công ty quản lý quỹ thụ động trong việc thiết lập những chỉ số để theo dõi và các công ty quản lý chủ động trong việc mua cổ phiếu của những doanh nghiệp mà họ quan tâm.
Tuy nhiên, bà Ting nói thêm rằng việc hạn chế sở hữu nước ngoài không phải là điều bất thường ở các thị trường mới nổi. Bà cũng chỉ ra rằng các nhà đầu tư thường phải đóng CGT khi họ bán những khoản đầu tư.
Mặc dù dòng vốn chảy vào lớn kể từ đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 2,6 tỷ USD từ thị trường chứng khoán Ấn Độ kể từ đầu tháng 10/2023.