|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Adidas lần đầu báo lỗ sau 30 năm

14:17 | 14/03/2024
Chia sẻ
Adidas cảnh báo năm nay thị trường sẽ còn khó khăn hơn do khủng hoảng biển Đỏ và sức cầu yếu từ Bắc Mỹ.

Hôm 13/3, sau hơn 30 năm, ông lớn đồ thể thao nước Đức, Adidas đã có lần đầu tiên báo lỗ cả năm, theo Reuters. Adidas lỗ ròng 58 triệu euro trong năm ngoái - khoản lỗ đầu tiên kể từ năm 1992. Năm 2022, công ty đạt lợi nhuận ròng 254 triệu euro.

Hãng thể thao này cũng cảnh báo doanh số bán hàng ở Bắc Mỹ sẽ giảm trở lại do các nhà bán lẻ đồ thể thao tại đây đang phải vật lộn với lượng hàng tồn kho cao.

Thời gian qua, Adidas nỗ lực tự vực dậy hoạt động kinh doanh sau khi cắt đứt quan hệ hợp tác với Kanye West và tạm dừng bán dòng giày Yeezy siêu lợi nhuậntừ tháng 10/2022.

Tuy vậy, năm ngoái khi lần đầu tiên điều hành, CEO Bjorn Gulden đã quyết định bán lại mẫu giày Yeezy nhằm giải phóng lượng hàng tồn kho, đồng thời tìm cách thúc đẩy các sản phẩm tạo xu hướng như giày Samba và Gazelle. Hãng cũng tìm cách cải thiện mối quan hệ với các nhà bán lẻ.

Cổ phiếu của Adidas phục hồi, vượt trội so với Nike và Puma kể từ khi ông Gulden nhậm chức.

"Mặc dù bối cảnh không thuận lợi, nhưng năm 2023 đã kết thúc tốt đẹp hơn những gì tôi mong đợi hồi đầu năm", ông Gulden nói.

 Adidas đã tích cực giải quyết hàng tồn kho với mẫu giày Yezzy trong năm vừa rồi. (Ảnh: LA Times).

Năm nay, doanh số thị trường Bắc Mỹ sẽ tiếp tục suy yếu khi Adidas dự kiến mức giảm khoảng 5% trong năm.

Cầu giảm và các cửa hàng tồn kho quá nhiều ở Mỹ đã ảnh hưởng đến các công ty đồ thể thao và may mặc. Adidas cho biết doanh số bán hàng ở Bắc Mỹ đã giảm 21% trong quý IV và giảm 16% trong năm vừa rồi.

Nhìn chung, ông Gulden cho biết việc dọn sạch hàng tồn kho thông qua các cửa hàng tồn kho đã giúp Adidas giảm 24% lượng hàng tồn kho trong năm ngoái xuống 1,5 tỷ euro. Adidas đã thu về 750 triệu euro doanh thu từ việc bán Yeezy trong năm ngoái, mang lại khoản lợi nhuận 300 triệu euro.

Adidas đưa cảnh báo về việc chậm giao hàng từ hai đến ba tuần do khủng hoảng biển Đỏ. Giám đốc tài chính Harm Ohlmeyer cho biết nếu sự gián đoạn này tiếp tục kéo dài, nó có thể có tác động đến vốn lưu động.

Adidas đánh cược rằng họ có thể giành lại thị phần từ các đối thủ ngay cả khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với đồ thể thao giảm sút. Đối thủ Nike đã buộc phải cắt giảm việc làm để tối ưu chi phí.

Adidas kỳ vọng mảng kinh doanh cốt lõi của mình, không bao gồm Yeezy, sẽ cải thiện trong năm nay. Mức tăng trưởng ít nhất là 10% trong nửa cuối năm.

Thương hiệu đã được hưởng lợi từ xu hướng giày thể thao đế thấp bằng da lộn "terrace" như Samba và Gazelle, và đã đẩy mạnh sản xuất vào năm ngoái. Xu hướng đó giúp doanh số bán giày tăng 8% trong quý IV, trong khi doanh số bán quần áo giảm 13%.

"Rõ ràng mọi thứ đã đi đúng hướng tại Adidas kể từ khi Bjorn Gulden tiếp quản," Thomas Joekel, quản lý danh mục đầu tư tại Union Investment cho biết.

"Sức hút thương hiệu đang tăng lên, điều này cũng có thể được nhìn thấy từ việc ít sản phẩm phải bán giảm giá hơn", vị này nói thêm.

Thuỳ Trang