|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những điều chưa biết về đế chế Adidas và Puma

15:59 | 05/10/2023
Chia sẻ
Không phải ai cũng biết những người sáng lập của Adidas và Puma thực tế là hai anh em ruột và sự cạnh tranh giữa hai thương hiệu này đã không ngừng gia tăng trong những năm qua.

Một cửa hàng của Adidas tại Munich, Đức. (Ảnh: AFP/ TTXVN).

Ngày nay, người tiêu dùng trên toàn thế giới đã quá quen thuộc với các thương hiệu Adidas và Puma của Đức. Thế nhưng, không phải ai cũng biết những người sáng lập của hai thương hiệu này thực tế là hai anh em ruột và sự cạnh tranh giữa hai thương hiệu này đã không ngừng gia tăng trong những năm qua.

Cùng chung niềm đam m

Adolf và Rudolf Dassler là con trai của một người thợ đóng giày. Năm 1924, ông Adolf làm chiếc giày thể thao bằng vải đầu tiên tại tiệm giặt của mẹ ông ở Herzogenaurach, phía Tây Bắc thành phố Nuremberg (Đức). Sau đó, ông vào làm ở xưởng đóng giày của cha mình.

Người anh trai hơn ông hai tuổi cũng mau chóng làm việc ở xưởng này. Adolf và Rudolf mở rộng dòng sản phẩm gia đình bao gồm giày thể thao và thành lập công ty Gebrüder Dassler Schuhfabrik. Việc kinh doanh trở nên phát đạt.

Adolf, người thợ thủ công với đôi bàn tay khéo léo và Rudolf, người bán hàng có tâm hồn thương mại, sau đó đã nảy ra ý tưởng mang tính cách mạng là sản xuất giày bóng đá có đinh tán. Bằng sáng chế được nộp vào năm 1925 và từ năm 1928, giày thể thao của họ đã trở thành tâm điểm chú ý tại Thế vận hội Olympic Amsterdam.

Công ty sau đó mở rộng sản xuất sang giày quần vợt. Danh tiếng của các sản phẩm nhà Dassler ngày càng tăng khi vào năm 1932, một vận động viên chạy nước rút người Đức đã giành huy chương đồng tại Thế vận hội Olympic khi mang giày của thương hiệu này.

Năm 1936, tại Thế vận hội Berlin, hầu hết các vận động viên Đức đều đi giày Dassler, và đến lượt vận động viên chạy nước rút nổi tiếng người Mỹ Jesse Owens giành được bốn huy chương vàng với đôi giày thể thao này.

Đó là lúc Thế chiến thứ hai bùng nổ. Nhà máy của hai anh em được trưng dụng để sản xuất bệ phóng tên lửa chống tăng và nhãn hiệu này được trang bị cho Wehrmacht (quân đội của Đế chế thứ ba).

Logo của Puma tại một cửa hàng ở Vienna, Áo. (Ảnh: Reuters).

“Adi” tạo ra Adidas, Rudolf ra mắt Puma

Năm 1948, Rudolf mở một nhà máy sản xuất giày mới và tạo ra thương hiệu PUMA Schuhfabrik Rudolf Dassler, với “puma” ám chỉ chú mèo đang nhảy. Đôi giày bóng đá đầu tiên được ra mắt ngay lập tức.

Một năm sau, Adolf đổi tên công ty của gia đình cha mình thành Adidas. Tên của thương hiệu mới được lấy từ biệt danh "Adi" của anh ấy và phần đầu của họ "Dassler".

Giải bóng đá thế giới năm 1954 đã mang lại danh tiếng cho thương hiệu Adidas. Người ta nói rằng đội tuyển bóng đá Đức đã giành được danh hiệu vô địch nhờ đôi giày đinh vít mới của Adidas. Trong khi đó, công ty của Rudolf đã gây được tiếng vang trên toàn thế giới.

Puma ngày càng tham gia nhiều hơn vào các sự kiện thể thao quốc tế, đặc biệt là cung cấp đồ cho đội tuyển bóng đá quốc gia Đông Đức. Đến đầu những năm 1960, Puma đã xuất khẩu sản phẩm của mình tới hơn 100 quốc gia.

Kể từ thời điểm đó, Adidas và Puma đã tiến hành một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng để dẫn đầu xu hướng và chiếm lĩnh thị phần mới. Cho đến khi họ qua đời (Rudolf qua đời năm 1974 và Adolf qua đời năm 1978), hai anh em không bao giờ nói chuyện với nhau.

Cuộc cãi vã tiếp tục diễn ra giữa hai con trai của họ là Horst (con trai của Adolf) và Armin (con trai của Rudolf). Ông Horst Dassler đã nắm quyền điều hành Adidas kể từ khi cha ông qua đời, giống như ông Armin ở vị trí lãnh đạo Puma. Ông Horst cũng là người sáng lập thương hiệu đồ bơi và phụ kiện bơi lội Arena, được bán lại vào năm 1990.

Thị trấn nhỏ Herzogenaurach, nơi đặt trụ sở chính của hai công ty, cũng bị chia rẽ bởi sự cạnh tranh này. Nhân viên của Adidas và Puma tránh mặt nhau. May mắn thay, vào Ngày Quốc tế hòa bình năm 2009, căng thẳng cuối cùng đã giảm bớt với việc tổ chức một trận bóng đá hòa giải. Hai đội gồm các cầu thủ được Adidas và Puma tài trợ thi đấu trong trang phục có đóng dấu của cả hai thương hiệu.

Ngày nay, trụ sở chính của Adidas và Puma vẫn đặt tại Herzogenaurach, cách nhau chỉ vài trăm mét. Mặt khác, giày thể thao được sản xuất ở châu Á.

Tháng Ba vừa qua, Adidas xác nhận lợi nhuận ròng của họ giảm 83% so với cùng kỳ năm năm 2022, xuống còn 254 triệu euro, trong một môi trường khó khăn và sau khi đột ngột chấm dứt hợp tác với Kanye West. Doanh thu tăng 1%, lên 14,5 tỷ euro.

Trong khi đó, năm 2022, Puma tạo ra doanh thu 8,465 tỷ euro, tăng 24,4%.

Hương Giang (P/V TTXVN Tại Brussels)