|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

ADB: Biến thể Omicron có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế châu Á

13:56 | 14/12/2021
Chia sẻ
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron và số ca nhiễm mới gia tăng trên toàn cầu cho thấy đại dịch COVID-19 khó có thể kết thúc trong “một sớm, một chiều”.
ADB: Biến thể Omicron có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế châu Á - Ảnh 1.

Đường phố Việt Nam vắng vẻ trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong bản báo cáo bổ sung về Triển vọng Phát triển châu Á công bố ngày 13/12, ADB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này có thể đạt mức 7% trong năm 2021, giảm 0,1% so với dự báo đưa ra vào tháng 9. 

Mốc tăng trưởng này cho thấy sự phục hồi kinh tế đáng kể so với mức giảm 0,1% trong năm 2020. Bên cạnh đó, ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của khu vực châu Á trong năm 2022 từ mức 5,4% xuống còn 5,3%.

Tuyên bố của ADB nêu rõ kinh tế châu Á có thể duy trì sự phục hồi mạnh mẽ như dự kiến trong tháng Chín, song sự xuất hiện gần đây của biến thể Omicron, được cho là có khả năng lây lan cao, là “lời nhắc nhở nghiêm khắc” về nguy cơ bùng phát thêm các đợt dịch bệnh mới trong tương lai.

Theo ADB, Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực, có thể tăng trưởng chậm hơn, ở mức 8% trong năm 2021 và 5,3% vào năm 2022, trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tài khóa này (bắt đầu từ 1/4/2021) giảm xuống còn 9,7%. 

ADB: Biến thể Omicron có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế châu Á - Ảnh 3.

Ngoài ra, ADB cũng hạ triển vọng kinh tế của Đông Nam Á xuống còn 3% trong năm 2021, trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng chậm hơn ở Malaysia (Ma-lai-xi-a).

ADB cho rằng làn sóng lây nhiễm mới COVID-19 có thể đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại của một số nước và các hạn chế đi lại cũng kéo lùi tăng trưởng của các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. 

Tuy nhiên, lạm phát trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được, với dự báo được điều chỉnh giảm xuống còn 2,1% trong năm 2021 và giữ nguyên mức 2,7% trong năm 2022. Điều này cho phép các nước tiến hành thêm các nỗ lực hỗ trợ phục hồi cũng như chính sách tiền tệ.

Khánh Ly (Theo AFP)