|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

8 điều chủ doanh nghiệp phải biết trước khi khởi nghiệp

14:09 | 08/09/2020
Chia sẻ
Những nhà khởi nghiệp thành công đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu và nguyên tắc kinh doanh của họ trước khi bắt đầu.

Khởi nghiệp là một hành trình gian nan mà dường như không ai có thể hoàn toàn sẵn sàng hay chuẩn bị đầy đủ để bắt đầu. Tuy nhiên, bạn có thể học hỏi từ những người đi trước. Tạp chí Entrepreneurs đã phỏng vấn nhiều nhà khởi nghiệp thành công về nguyên tắc kinh doanh của họ và đây là những gì họ nói.

Hiểu rằng khởi nghiệp là một cuộc đua marathon

Nasdaq sụp đổ một năm sau khi công ty khởi nghiệp Bluemercury thành lập. Trong một năm rưỡi không có cách nào để huy động vốn đầu tư mạo hiểm, các nhà sáng lập phải tìm cách xây dựng hoạt động kinh doanh bằng doanh thu và dòng tiền hạn hẹp sẵn có. Giờ đây, công ty đã vượt qua hai đợt suy thoái lớn.

Nhiều doanh nhân tập trung vào giải pháp để có thể vận hành doanh nghiệp ổn định trong một vài năm nhưng mọi thứ luôn thay đổi và cuộc sống hiếm khi diễn ra như dự tính. Vì vậy, hãy tập trung xây dựng một công ty tuyệt vời trong dài hạn. Khởi nghiệp là một cuộc đua marathon đường dài, không phải là một cuộc chạy nước rút.

8 điều nhất định phải biết trước khi khởi nghiệp - Ảnh 1.

Khởi nghiệp là một chặng đua marathon đường dài chỉ dành cho những người bản lĩnh và kiên nhẫn. Ảnh: Getty

Đảm bảo thị trường có nhu cầu về sản phẩm hay dịch vụ của bạn

Khởi nghiệp đòi hỏi nỗ lực chăm chỉ và học hỏi nhiều hơn tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng. Phần thưởng cuối cùng rất hấp dẫn nhưng không có gì đảm bảo điều đó. Khi mọi thứ trở nên căng thẳng, nguồn tiền mặt sắp cạn và bạn muốn đầu hàng, đó là khi bạn hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng bán hàng có thể không giải quyết mọi vấn đề nhưng mọi vấn đề sẽ nảy sinh vì thiếu doanh số.

Các công ty phát triển mạnh thường tập trung vào tìm lợi nhuận liên tục đủ khả năng chống chọi với những sự kiện khó lường như suy thoái kinh tế. Trước khi bắt đầu kinh doanh, hãy nghiên cứu, nắm chắc các số liệu và chắc chắn rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thị trường và nhu cầu.

Mọi giao dịch bán phải có lãi với mức lí tưởng là 50%. Từ đó, bạn sẽ có nguồn tiền để tuyển dụng những nhân viên hạng A, tập trung vào công việc điều hành và phát triển. Ghi lại mọi thứ và xây dựng hệ thống ổn định nhất để bất kì ai cũng có thể làm công việc của bạn vào ngày mai. Nhưng trước tiên, hãy học cách bán hàng!

Hiếm ai đúng hướng ngay lần đầu tiên

Đừng duy trì quá trình thu thập thông tin quá lâu bởi cách duy nhất để tiến bộ là thực sự hành động. Sau đó, bạn phải nhanh chóng phân tích kết quả và thực hiện các thay đổi cần thiết. Có thể bạn sẽ không làm đúng ngay lần đầu tiên hay thậm chí lần thứ hai, thứ ba. Nhưng nếu bạn đủ linh hoạt và bản lĩnh, bạn có thể tiến đến kết quả.

Cũng đừng cho rằng làm việc chăm chỉ sẽ thành công. Điều quan trọng là làm việc thông minh hơn, kiếm doanh số ngắn hạn nhanh chóng hơn để duy trì công ty. Bạn càng có nhiều tiền mặt, bạn càng dễ dàng chấp nhận những rủi ro. 

Bạn không thể chỉ có điểm mạnh mà không có điểm yếu. Đầu tư vào bản thân và tự tin rằng bạn đủ năng lực điều hành. Thất bại là phản hồi cho mỗi thử nghiệm và cho bạn biết cách cải thiện. Thất bại thực sự là khi bạn bỏ cuộc.

Kiên nhẫn và đảm bảo khả năng tài chính

Bất kì ai bắt đầu khởi nghiệp đều nên nắm rõ về thời gian và nguồn vốn cần thiết để tồn tại trong giai đoạn 6 tháng đầu. Chỉ đến khi gặp thiệt hại lớn, nhiều người mới hiểu họ sẽ mất bao lâu để đạt được mức doanh thu tối thiểu để tồn tại và lớn mạnh.

Gần một nửa số doanh nghiệp nhỏ thất bại do không có đủ vốn. Hãy dự trù đến trường hợp bạn cần thời gian lâu hơn để sinh lợi nhuận và đảm bảo có đủ nguồn vốn dự phòng. Dòng thời gian sản sinh lợi nhuận của mỗi công ty khởi nghiệp hoàn toàn khác nhau và thất bại luôn có thể xảy ra. Khả năng tài chính tốt sẽ giảm đáng kể khả năng thất bại.

Đừng nghĩ tới sản phẩm muốn bán

Nhiều doanh nhân tập trung quá nhiều vào tiếp thị và bán hàng đến mức bỏ qua việc tìm hiểu sâu sắc và chính xác những gì khách hàng muốn đạt được hoặc giải quyết. Các công ty có lợi nhuận luôn hiểu khách hàng tốt hơn hiểu chính họ. Họ bán giá trị, ảnh hưởng và kết quả mà khách hàng của họ muốn mua.

Trở thành một nhà khởi nghiệp đồng nghĩa với việc ngừng cố chấp hoặc cho rằng bạn đã biết câu trả lời. Lập kế hoạch lắng nghe để hiểu các vấn đề và mong muốn của đối tượng mục tiêu. 

Không bao giờ là quá muộn để xoay chuyển, mở rộng hoặc điều chỉnh sản phẩm cho đúng với mong muốn và nhu cầu của khách hàng. Khi làm được điều đó, bạn sẽ trở thành công ty hiếm hoi có sản phẩm tuyệt vời.

Chuẩn bị cạnh tranh và mạo hiểm

Trường kinh doanh không dạy bạn những bài học khởi nghiệp. Khi bạn đang xử lí thông tin từ con người, ý tưởng và thị trường, thất bại luôn có thể xảy ra dù kế hoạch kinh doanh kĩ lưỡng đến đâu.

Bài học đầu tiên là kiểm tra đối tác của bạn để đảm bảo rằng họ có tính cách phù hợp, ổn định về tài chính và sẵn sàng làm việc trong thời gian cần thiết. Họ cũng phải có vai trò trong trò chơi. 

Thứ hai, đừng phức tạp hóa mô hình kinh doanh hoặc dòng sản phẩm. Lí tưởng nhất là các kế hoạch đơn giản, được thực hiện tốt và tinh tế. 

Thứ ba, hãy chuẩn bị để thay đổi nhanh chóng dựa trên biến động của thị trường và nhu cầu. 

Lắng nghe khách hàng

Tư duy truyền thống sẽ yêu cầu bạn bắt đầu mọi thứ với một kế hoạch kinh doanh và sản phẩm. Nhưng khi sáng lập The Boutique Hub, Ashley Anderson đã học được rằng việc xác định sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP), triển khai và nhận được phản hồi nhanh chóng của khách hàng mới là quan trọng nhất. 

Trong lần đầu tiên, cô áp dụng một kế hoạch và bán một sản phẩm có ý nghĩa với công ty nhưng không phù hợp với thị trường. Điều này dường như đã khiến doanh nghiệp non trẻ tới bờ vực phá sản

Sau đó, kế hoạch thay đổi với mức giá cả, chi tiết hoặc bố cục mà trước đó bị đánh giá là khó phù hợp chỉ để học hỏi từ khách hàng. Luôn nhớ rằng, khách hàng chính là người quyết định doanh nghiệp có tồn tại hay không chứ không phải kế hoạch kinh doanh. Điều tra thị trường trước khi làm bất cứ điều gì.

Giải quyết chính xác vấn đề

Hãy tự hỏi sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đang giải quyết chính xác vấn đề gì. Nếu không có nhu cầu hoặc sự quan tâm từ thị trường, bạn nên suy nghĩ lại về ý tưởng đó.

Simon Grabowski mở công ty khởi nghiệp đầu tiên khi anh cần công cụ gửi hàng loạt email tự động đến người đăng . Sẵn có kĩ năng lập trình, Simon tự tay xây dựng ứng dụng và phát hiện thấy nhiều người cũng có nhu cầu tương tự. 

Hơn 20 năm sau, GetResponse có hơn 350.000 khách hàng. Simon tiếp tục xây dựng công ty thứ hai, ClickMeeting, trên cùng một nền tảng. GetResponse cần cải thiện giao tiếp với các nhóm nhỏ khách hàng phân tán trên toàn cầu nhưng không thể tìm thấy giải pháp đáp ứng nên ClickMeeting ra đời và đến nay, đã có mặt tại hơn 160 quốc gia, phục vụ hơn 100.000 khách hàng.

Thu Phương