6 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán năm 2025
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng cho biết 2024 là một năm khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước. Địa chính trị biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đội leo thang, giá xăng dầu và hàng hóa cơ bản biến động mạnh, kinh tế phục hồi chậm, tỷ giá và lãi suất biến động khó lường, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh mạng diễn biến phức tạp.
Dự kiến hết năm 2024, GDP Việt Nam tăng khoảng 7% (xấp xỉ 470 tỷ USD); CPI cả năm đạt 3,6% - thấp hơn mục tiêu đề ra là 4 - 4,5%; tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên 780 tỷ USD…
Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực từ kinh tế vĩ mô và chứng khoán quốc tế nhưng vẫn duy trì ổn định, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng.
Kết thúc năm 2024, VN-Index đạt 1.266.78 điểm, tăng 12,11% so với cuối 2023. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,08 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối 2023, tương đương gần 70% GDP năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 20.849 tỷ đồng, tăng 18,6% so với 2023.
Thị trường hiện có 720 cổ phiếu niêm yết trên HOSE và HNX và 888 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Trên thị trường trái phiếu, Kho bạc Nhà nước đã huy động được gần 330.776 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 82% kế hoạch năm. Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau hơn một năm vận hành vẫn ổn định, thông suốt, thanh khoản tăng đáng kể với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 4.336 tỷ đồng.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đạt gần 9,16 triệu đơn vị, tăng khoảng 26% so với cuối 2023.
Bước qua năm 2025, ông Nguyễn Văn Thắng định hướng ngành chứng khoán cần bứt phá, khai thông các nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế.
Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, các văn bản Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, đến 2030; năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
Thứ hai là đảm hệ thống thanh toán, lưu ký, bù trừ trên thị trường vận hành an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động, để đảm bảo đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch.
Các sở giao dịch và VSDC cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư.
Thứ ba là sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết; đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm mới, chỉ số khác, thị trường mới, dịch vụ mới; nghiên cứu thị trường giao dịch tín chỉ carbon thứ cấp và thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ tư là tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trên các thị trường và nghĩa vụ công bố thông tin.
Thứ năm là chú trọng tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nâng cao năng lực cho nhà đầu tư chứng khoán cá nhân; cung cấp thông tin kịp thời cho nhà đầu tư; hạn chế tác động của tin xấu; thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cuối cùng là chủ động trong hội nhập, hợp tác quốc tế, tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với các thị trường trong khu vực và thế giới.
Nhận chỉ đạo từ Bộ trưởng, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị các ban ngành liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là tổ chức vận hành thị trường thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn trong mọi tình huống, đặc biệt trong bối cảnh kỳ vọng nâng hạng thị trường vào 2025; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới; đảm bảo tính đồng bộ, an ninh, an toàn.
Thứ hai là tập trung đề xuất, trao đổi trong xây dựng văn bản pháp luật; nghiên cứu, đề xuất các sản phẩm tài chính như trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, trái phiếu cơ sở hạ tầng để đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao trách nhiệm của xã hội của doanh nghiệp niêm yết thông qua phát triển bộ chỉ số ESG; định hướng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bền vững theo thông lệ quốc tế, góp phần và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến 2050.
Các đơn vị cần tập trung đề xuất phát triển thêm các chỉ số cơ sở cho thị trường chứng khoán phái sinh, các quỹ đầu tư vào chỉ số; tăng giải pháp thúc đẩy thị trường công cụ nợ, thị trường trái phiếu niêm yết; nghiên cứu thị trường tín chỉ carbon thứ cấp, thị trường giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ ba, các sở giao dịch nghiên cứu, đề xuất, phân loại, sắp xếp thị trường cổ phiếu niêm yết, UPCoM phù hợp với điều kiện thị trường, thực hiện ngay trong 6 tháng đầu năm.
Thứ tư, các sở giao dịch và VSDC tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo mục tiêu nâng hạng năm 2025.
Trong đó, bên cạnh đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống giao dịch của các sở giao dịch, VSDC cần xây dựng giải pháp theo các kiến nghị của các tổ chức xếp hạng thị trường và các tổ chức đầu tư lớn; nghiên cứu triển khai mô hình tài khoản tổng, tài khoản ủy thác cho các quỹ đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, là tăng cường hoạt động quản trị nguồn nhân lực, đảo tạo đội ngũ nhân sự chất lượng cao; quan tâm đến đời sống nhân sự.