5 lời khuyên tài chính tồi tệ nhất mọi thời đại
Tiền bạc rất dễ gây ra nhầm lẫn và nếu bạn nhận được những lời khuyên tồi từ cha mẹ, bạn bè hoặc các nguồn thông tin khác, tình hình có thể tệ hơn rất nhiều.
Tạp chí FrugalRules đã đưa ra 5 lời khuyên tài chính tồi tệ nhất mọi thời đại mà bạn có thể đã nhận được nhưng chắc chắn nên tránh xa:
1. Đừng lo lắng về các khoản vay giáo dục
Các ngân hàng hiện nay dành khá nhiều ưu đãi cho các khoản vay sinh viên hoặc giáo dục. Tuy nhiên, sẽ là không khôn ngoan khi bạn mù quáng dựa vào sự rộng rãi này và không cẩn thận thực hiện nghiên cứu riêng cho mình. Đôi khi, những điều kiện ưu đãi quá lớn khiến bạn dễ dàng kí giấy vay tiền thay vì tự hỏi mình có khả năng chi trả hay có nên làm vậy hay không.
Mặc dù các khoản vay sinh viên có lãi suất thấp hơn nhiều so với các khoản nợ khác nhưng tránh vay nhiều hơn mức bạn cần và xây dựng kế hoạch trả hết nợ cho dù đó là dài hạn hay ngắn hạn vẫn rất quan trọng.
Nếu bạn hiện đang vật lộn với việc trả hết các khoản vay sinh viên, bạn có thể xem xét hợp nhất hoặc tái cấp vốn các khoản vay để chi trả nhanh hơn.
2. Đổi cũ - Mua mới
Đây là một khẩu hiệu thường thấy ở các đại lí ô tô, siêu thị điện máy, thiết bị thông minh... và bạn cần hết sức cảnh giác để không trở thành nạn nhân của hội chứng đánh bóng bản thân nhờ hàng hiệu. Các chuyên gia đã thống kê bất cứ khoản nâng cấp xe hơi hay điện thoại nào trong vòng 2 năm đều là lãng phí.
Đặc biệt, xe hơi, nhà ở hay điện thoại đều là loại tài sản mất giá và nếu bạn không muốn vay tiền mua xe trong suốt quãng đời còn lại, hãy hài lòng với những gì mình đang có. Bạn không cần thiết phải tiếp tục mua một chiếc xe mới hơn, tốt hơn và đắt tiền hơn.
Thay vào đó, hãy suy nghĩ về những gì bạn có thể làm với số tiền trả góp hàng tháng và thay vì trả góp, hãy tìm cách tiết kiệm tiền khi mua xe bằng tiền mặt hoặc tìm những cách khác để tránh vay tiền dài hạn.
Nguồn: FrugalRules
3. Sử dụng nhiều thẻ tín dụng là điều tốt
Đây là lời khuyên tài chính tồi tệ của các ngân hàng hoặc công ti tín dụng khiến rất nhiều người rơi vào bẫy. Mục đích của thẻ tín dụng là nhằm giúp bạn xây dựng điểm tín dụng bằng cách cho thấy bạn có thể vay tiền và trả lại đúng hạn.
Thật không may, nhiều người bị cuốn đi quá xa. Họ chi tiêu quá mức khiến bản thân mắc nợ và khi thấy khoản thanh toán hàng tháng chỉ là số tiền nhỏ, họ cảm thấy rất ổn khi chỉ cần trả khoản đó.
Đừng mắc vào bẫy tâm lí này. Chỉ thanh toán số dư tối thiểu trên khoản nợ thẻ tín dụng của bạn sẽ khiến bạn phải gánh thêm lãi và nợ nần lâu hơn.
4. Mua nhà tốt hơn thuê nhà
Đây có thể là một trong những lời khuyên phổ biến nhất hiện nay nhưng đó chỉ là một lời khuyên tồi. Sở hữu một ngôi nhà là phần quan trọng trong sự nghiệp của một người, đặc biệt là người châu Á. Trở thành chủ sở hữu một ngôi nhà tất nhiên có nhiều đặc quyền nhưng điều đó không có nghĩa là nó tốt hơn so với việc thuê nhà.
Ví dụ, khi bạn thực hiện nghiên cứu, bạn có thể thấy rằng việc thuê nhà thậm chí có thể rẻ hơn trong khu vực lân cận. Chi phí thực sự của việc mua một ngôi nhà có thể tiêu tốn của bạn rất nhiều tiền khi tính đến thế chấp, tiền lãi và thuế cộng với chi phí bảo trì và sửa chữa.
Hơn thế nữa, người thuê nhà cũng có thể lập tức rời khỏi nơi ở để chấp nhận lời mời làm việc hoặc cơ hội một lần trong đời tại nơi xa xôi nào đó mà không cần quyết định trước việc nên làm gì với ngôi nhà của họ.
5. Đừng vội tiết kiệm khi chưa về già
Những lời khuyên tài chính dành cho giới trẻ luôn đi kèm nhiều khẩu hiệu hô hào mạnh mẽ, ngoại trừ việc khuyến khích tiết kiệm thận trọng và sớm để dành cho những ngày nghỉ hưu hoặc không có khả năng làm việc.
Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm sớm, bạn có cơ hội đạt được độc lập tài chính sớm hơn là sau này. Đầu tư có thể khó khăn nhưng không phải là bất khả thi. Có nhiều cách bạn có thể tự học về đầu tư miễn phí thông qua các chuyên gia tư vấn hoặc các nguồn thông tin trực tuyến.