5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, nguy cơ phải chấm dứt thực hiện
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn.
Với các dự án này, Bộ Công Thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6, nếu không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Với dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, nhà đầu tư đã xin dừng dự án. Ngày 9/8/2023, UBND tỉnh Quảng trị có văn bản đề nghị chuyển đổi dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng trị sang nhà máy điện khí.
Theo Báo Quảng Trị, dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD).
Dự án này được triển khai ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), công suất lên đến 1.320MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 660MW. Theo tính toán, nhà máy sau khi đi vào hoạt động sẽ mang lại sản lượng điện 7.200 tỷ KwH/năm.
Theo Sở Công Thương Quảng Trị, sau khi ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Quảng Trị, EGATi đã nỗ lực và tích cực trong việc phối hợp để triển khai dự án. Nhưng đến tháng 5/2023, công ty này có văn bản gửi Bộ Công Thương thông tin chính thức về việc không tiếp tục thực hiện dự án trên.
Liên quan dự án nhiệt điện Công Thanh, theo Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá, dự án nhiệt điện Công Thanh được khởi công từ 2011. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bàng và san lấp mặt bằng cho khu vực nhà máy chính của dự án, đã tiến hành đầu tư 80% hạ tầng cho khu vực cảng nhà máy.
Đồng thời, chủ đầu tư đã cơ bản hoàn tất các hồ sơ cho dự án như: được Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho thuê đất thực hiện dự án; phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở; ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của dự án gặp rất nhiều khó khăn do nhiệt điện than hiện nay không còn là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, việc phát triển nhiệt điện than không còn phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị.
Ngày 21/12/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị chuyển đổi nhiên liệu Dự án Nhà máy nhiệt điện thanh Công Thanh sang sử dụng LNG.
Cụ thể, đề nghị chuyển đổi từ than sang khí LNG nhập khẩu với sản lượng 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sau khi chuyển đổi nhiên liệu nâng lên từ 600MW lên 1.500MW.
Sản lượng điện phát lên lưới quốc gia hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9 tỷ kWh. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án tăng từ 92,99 ha lên 197,3ha (trong đó có 100ha diện tích mặt nước cảng LNG). Tổng vốn đầu tư tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD.
Tương tự, dự án nhà máy nhiệt điện Nam Định I cũng được đề xuất chuyển sang điện khí. Thông tin được Báo Vietnamnet dẫn lời ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết hồi cuối tháng 3.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, tổng công suất nhiệt điện than đến năm 2030 là 30.127 MW. Trong khi đó, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW, nhiệt điện LNG là 22.400 MW, thủy điện là 39.346 MW.