|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'4-5 cái nhà của quan chức, có cái nào đứng tên mình hay vợ đâu?'

14:38 | 13/06/2018
Chia sẻ
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 13.6, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, cho rằng việc kê khai tài sản cần bao quát cả những người thân của đối tượng kê khai, nếu không sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng.
4 5 cai nha cua quan chuc co cai nao dung ten minh hay vo dau
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 13.6. Ảnh: Gia Hân.

Theo ông Đạt, việc kê khai tài sản chỉ nên tập trung vào một số đối tượng là người thân của những người kê khai, đó là con, bố mẹ, anh chị em ruột kể cả bên chồng, bên vợ và kể cả con nuôi cũng là người thân. Nhưng dự luật lần này không đưa những điều này vào. Ban đầu, ban soạn thảo có đề nghị như vậy, nhưng nhiều cơ quan không đồng ý, nên hiện nay chỉ còn quy định con vị thành niên và vợ hoặc chồng thôi.

"Theo tôi, nếu thật sự muốn kiểm soát tham nhũng thì phải kê khai tài sản của cả những người thân quan chức. Bây giờ quan chức có 4, 5 cái nhà có bao giờ lấy tên mình hay vợ mình đâu. Họ sẽ lấy tên những người thân mà nếu người thân làm doanh nghiệp thì ai có quyền kiểm tra người ta vì họ không thuộc đối tượng kê khai. Đây chính là kẽ hở để quan chức chuyển tài sản cho người khác", ông Đạt nói.

Lý do mà nhiều cơ quan gạt đề xuất này ra là gì?

Ông Phạm Trọng Đạt: Người ta bảo đối tượng kê khai nhiều quá, không kiểm soát được. Hơn nữa, họ bảo mở rộng như thế ảnh hưởng đến quyền tự do về tài sản. Lý giải như vậy cũng hợp lý nhưng đứng một khía cạnh nào đó về mặt phòng chống tham nhũng, đã là quan chức thì phải chấp nhận những ràng buộc như thế không thì thôi.

Cái lý nó phải thế. Nhưng có quá nhiều ý kiến nên ban soạn thảo làm sao bảo vệ được. Nếu ban soạn thảo bảo vệ được thì đã không quy định đánh thuế 45% tài sản không rõ nguồn gốc mà đã là tài sản không chứng mình được nguồn gốc hợp pháp thì tịch thu luôn.

Quản lý của mình nhiều cái không hợp lý lắm, khó lắm cho nên phải từng bước, làm dần dần thôi.

Về quy định đánh thuế 45% tài sản không rõ nguồn gốc cũng có khá nhiều ý kiến phản đối khi thảo luận tổ?

Có người bảo như thế là hợp pháp hóa tham nhũng nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi vì đánh thuế thì vẫn cứ thuế, phạt cứ phạt nhưng nếu cơ quan chức năng phát hiện ra tài sản này là tham nhũng vẫn khởi tố. Quy định là không loại trừ trách nhiệm hình sự. Ít nhiều quy định này cũng thu được một phần nào đó dù chưa được hết.

Theo ông, những quy định mới ban soạn thảo đưa ra nhưng có nhiều ý kiến không đồng tình như vậy liệu có phải do các quy định này đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của nhiều người nên không được đồng thuận?

Thực tế chưa có cơ sở nào để nói là đụng chạm hay không đụng chạm cả. Nhưng trong làm luật cũng phải đề phòng những việc này, một mặt cũng đừng làm gì vi phạm đến các quy định khác. Còn hiện tại chưa có số liệu nào nói là tác động hay không tác động.

Quan trọng nhất vẫn là cơ chế để chống tham nhũng

Có ý kiến cho rằng, vừa qua, ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng lại xảy ra nguy cơ tham nhũng khiến nhân dân giảm lòng tin?

Cơ quan chống tham nhũng là một cơ quan chuyên ngành, thế nhưng, đây cũng là một cơ quan như các cơ quan khác, cán bộ trong cơ quan này cũng là con người, công chức viên chức bình thường. Thế nên, để phòng tránh được nguy cơ xảy ra tham nhũng thì phải tăng cường rèn luyện, quản lý nghiêm ngặt.

Đặc biệt, với một cơ quan có chức năng chống tham nhũng thì giáo dục, quán triệt, rèn luyện cán bộ và hạn chế tối đa nguy cơ tham nhũng càng phải đặt lên hàng đầu. Thực tế thì cũng có thể xảy ra một vài trường hợp tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng. Vấn đề là phải giáo dục và quản lý chặt.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải có cơ quan độc lập về phòng chống tham nhũng, ông nghĩ sao?

Độc lập hay không độc lập, đặt ở cơ quan này hay cơ quan khác thì quan trọng nhất vẫn chính là cơ chế, sự chỉ đạo và yếu tố con người. Và vấn đề giáo dục, đào tạo, tạo cơ chế để thực thi nhiệm vụ vẫn là yếu tố quyết định. Cơ chế phải chặt chẽ để làm sao các đối tượng không thể, không dám và không muốn tham nhũng.

Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ là cơ quan có chức năng thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về phòng chống tham nhũng trên cả nước. Vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ có những khó khăn gì?

Những khó khăn về mặt cơ chế thì hiện đang từng bước tháo gỡ, hoàn thiện. Còn thực tế thì đúng là rất khó khăn. Chẳng hạn, ngay Cục Chống tham nhũng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này của Thanh tra Chính phủ thì hiện nhân sự cũng chỉ có vài chục con người, trong khi nhiệm vụ rất nặng nề. Còn sự phân công, phân cấp cũng không ít vướng mắc.

Thế nên, phải cần có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị mới phòng chống tham nhũng tốt hơn chứ không riêng một cơ quan nào có thể làm được.

Ngay như trong lĩnh vực thực hiện quy định về kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ được giao trách nhiệm chính nhưng hiện cũng mới chủ yếu tổng hợp, nghe báo cáo là chính. Việc thẩm định hiện cũng chưa làm tốt được. Không những không có công cụ đủ mạnh mà luật pháp cũng chưa cho phép vì đã phân cấp rồi.

Việc yêu cầu các cơ quan, địa phương gửi báo cáo để tổng hợp báo cáo cũng mệt mỏi lắm, nhiều khi hết hạn cũng chưa thấy nộp. Đến bây giờ cũng còn nhiều cơ quan chưa nộp báo cáo về kê khai tài sản dù hết hạn rồi.

Tôi cho rằng, cần có một cơ quan chuyên về quản lý, lưu trữ, thẩm định, xác minh việc kê khai tài sản. Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập này phải chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý kê khai tài sản. Có vậy mới thống nhất, mới có cơ sở pháp lý và mới triển khai hiệu quả được.

Chứ cứ như thời gian qua, ở các địa phương, bộ, ngành có phát hiện được trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực đâu, rất hiếm. Quốc hội cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, còn con người thì đã sẵn sàng hết rồi.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Hiệp