|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

4 trụ cột phát triển của Thế Giới Di Động

11:26 | 09/11/2016
Chia sẻ
Thế Giới Di Động định hướng năm 2016 - 2018, sự phát triển của Công ty đến từ chuỗi bán lẻ thegioididong - DienmayXANH, từ năm 2019 đến 2025, kỳ vọng sự tăng trưởng đến từ chuỗi Bách hóa Xanh và làm thương mại điện tử - Vuivui.com.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tháng 11 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), một nhà đầu tư hỏi ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TGDĐ rằng Công ty nhiều tiền quá thì để làm gì, có thể mua cổ phiếu quỹ không?

Ông Tài cười lớn rồi trả lời: Ngày TGDĐ có nhiều tiền không còn xa, chỉ có điều chắc chắn tiền dư sẽ không gửi ngân hàng lấy lãi. Công ty sẽ ưu tiên trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, sau đó mới tính tới chuyện mua cổ phiếu quỹ.

Thiết nghĩ, TGDĐ không thiếu kế hoạch đầu tư, mở rộng hệ thống nên có lẽ không bao giờ phải loay hoay với việc thừa tiền thì làm gì? TGDĐ định hướng năm 2016 - 2018, sự phát triển của Công ty đến từ chuỗi bán lẻ thegioididong - DienmayXANH, từ năm 2019 đến 2025, kỳ vọng sự tăng trưởng đến từ chuỗi Bách hóa Xanh và làm thương mại điện tử - Vuivui.com. Hiện, Bách hóa Xanh và Vuivui đều đang chạy thử nghiệm.

Thegioididong - DienmayXANH: Mở rộng 1.200 cửa hàng đến cuối năm nay

Nói về hai chuỗi siêu thị này, ông Tài cho biết sẽ mở rộng để đạt 1.200 cửa hàng vào cuối năm nay. Kết thúc 9 tháng đầu năm, TGDĐ có 1.052 cửa hàng, trong đó có 902 cửa hàng thegioididong. Trong 9 tháng, TGDĐ mở mới 419 cửa hàng, tương đương 2 ngày mở 3 siêu thị.

4 tru cot phat trien cua the gioi di dong
Đơn vị: Cửa hàng

Đánh giá về con số này, ông Tài cho rằng TGDĐ làm 7 tháng bằng người ta làm 7 năm. Nhưng TGDĐ không làm ồ ạt, chạy theo số lượng, mở cửa hàng phải trên tiêu chí về doanh thu và hiệu quả hoạt động.

Theo dõi quá trình mở chuỗi của TGDĐ sẽ thấy, Công ty có sự dịch chuyển dần từ mở các cửa hàng tại tỉnh, thành phố lớn, diện tích chừng 300m2 sang các cửa hàng nhỏ, diện tích chừng 100m2 tại các vùng núi, nông thôn. Sự thay đổi này phù hợp với nhận định thị trường điện thoại có thể bị bão hòa và thị trường nông thôn còn dư địa tăng trưởng.

Ông Tài cho biết hiện tại thị phần thegioididong chừng 38% trong khi DienmayXANH là 16%. Dư địa tăng thị phần thegioididong tăng không còn nhiều trong khi DienmayXANH hoàn toàn có thể làm điều đó.

Cùng với đó, biên lợi nhuận gộp của thegioididong chừng 15 - 16% trong khi của DienmayXANH là 13 - 14%. Con số trên được ông Tài đưa ra kèm đánh giá DienmayXANH có thể cải thiện được biên lãi gộp sau nhiều năm, có thể 3 - 4% trong thời gian tới nhưng thegioididong thì không nhiều.

Trong 9 tháng đầu năm, TGDĐ đạt doanh thu 31.261 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế 1.222 tỷ đồng, tăng lần lượt 78% và 84% so với cùng kỳ năm trước. Ông Tài dự đoán doanh thu cả năm 2016 sẽ đạt 40.000 tỷ đồng với lợi nhuận đâu đó khoảng 1.500 - 1.600 tỷ đồng. Mức doanh thu này, theo ông Tài, không phải doanh nghiệp nào trên sàn cũng làm được.

Không chỉ mở rộng hệ thống ở trong nước, TGDĐ còn đặt mục tiêu xâm lấn thị trường Đông Nam Á mà ban đầu sẽ là ở Campuchia. Ông Tài nói công ty đã được cấp giấy phép kinh doanh thành lập TGDĐ ở Campuchia, ban đầu sẽ thử nghiệm khoảng 10 cửa hàng.

So với các nước trong khu vực, ông Tài đánh giá Campuchia hiện tại đang có môi trường rất cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài khi cho phép đầu tư tới 100%. Trong khi đó Lào yêu cầu chặt chẽ về diện tích cửa hàng và số vốn đầu tư, còn ở Myanmar không cho phép đầu tư nước ngoài 100% cho ngành bán lẻ.

Ngoài ra, thị trường Campuchia có hàng lậu và hàng chính ngạch đang bị trộn lẫn và khách hàng khó tìm kiếm được sản phẩm uy tín, khá giống với thị trường Việt Nam cách đây hơn 10 năm. Vì thế đây là cơ hội để TGDĐ dấn thân và thử nghiệm.

Bách Hóa Xanh: Qua thời thử nghiệm, tìm câu trả lời lợi nhuận năm 2017

Năm 2015, TGDĐ quyết định thử nghiệm bán thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh. Lúc bấy giờ, TGDĐ xác định số lượng cửa hàng thử nghiệm từ 30 - 50, diện tích dự kiến từ 150m2- 400m2 (tương đương diện tích cửa hàng thegioididong.com).

Ngân sách chi trả cho việc triển khai dự kiến 20 tỷ đồng và không vượt quá 50 tỷ đồng. Các cửa hàng sẽ được khai trương trong quý IV/2015 và hoàn tất thử nghiệm trong năm 2016.

4 tru cot phat trien cua the gioi di dong
Một cửa hàng Bách hóa Xanh (Ảnh: internet)

Cho đến thời điểm hiện tại, TGDĐ đã công bố doanh thu từng cửa hàng vào khoảng 1 tỷ đồng/tháng nhưng chưa hòa vốn và EBIDA vẫn đang âm.

Không chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm, ông Tài tiết lộ 3 giai đoạn triển khai chuỗi Bách hóa XANH. Đầu tiên là thử nghiệm mô hình cửa hàng bằng việc mở 20 siêu thị thu nhỏ với kích thước 100m2 – 200m2 trên khu vực quận Bình Tân. Giai đoạn này dự kiến sẽ kết thúc trước tháng 12/2016. Nguồn cung chủ yếu của mô hình trên từ các nhà bán sỉ và nhà phân phối nhỏ, bỏ qua các khâu trung gian và tập trung khối lượng lớn.

Sau khi xây dựng mô hình, công ty sẽ xây dựng 1 cụm kinh doanh ở TP HCM, đánh giá lãi gộp, chi phí của mô hình với số lượng 80 cửa hàng và mua hàng từ nhà sản xuất. Theo ông Tài, tháng 12/2017 sẽ là thời điểm trả lời mô hình Bách hóa xanh có tạo ra lợi nhuận hay không? Sau đó, từ năm 2018 trở đi, công ty sẽ bước vào giai đoạn mở rộng, triển khai cụm kinh doanh trên nhiều tỉnh thành.

Ông Tài đánh giá thị trường của Bách Hóa Xanh có quy mô 60 tỷ USD, gấp 10 lần thị truờng 6 tỷ đô của điện thoại và điện máy cộng lại. Do đó ông Tài chắc chắn mô hình Bách hóa XANH sẽ là nơi bán các sản phẩm an toàn trong vài ba năm tới và sẽ là hướng kinh doanh chính của công ty trong tương lai.

Tuy nhiên, TGDĐ hiện cũng đang đặt mục tiêu kiểm soát đồ vứt bỏ dưới mức 10% vào năm 2017, hiện tại đang cao hơn con số này - ông Tài thừa nhận. Đây cũng chính là thách thức đối với chuỗi siêu thị bán hàng thực phẩm khi có một số mặt hàng không thể để qua đêm.

Vuivui.com - mô hình Đại siêu thị online

Trang TMĐT của TGDĐ có tên Vuivui.com hiện đang chạy bản beta và bán hàng thử nghiệm tại khu vực TP Hồ Chí Minh, bán các sản phẩm thiết bị viễn thông, điện tử, điện lạnh, gia dụng và hàng hoá tiêu dùng thiết yếu. Theo ông Tài, Vuivui bán đủ thứ và không chuyên biệt sản phẩm như thegioididong hay dienmayXANH. Ở Vuivui, khách hàng sẽ có được mức giá tốt, tiện lợi và phục vụ nhanh gọn, vị Chủ tịch HĐQT khẳng định.

Ông Tài nói Vuivui làm thử nghiệm nhưng định hướng là triển vọng tăng trưởng của TGDĐ đến năm 2025, cùng với Bách Hóa Xanh. Bán hàng online hiện chiếm 5% thị trường bán lẻ và theo đánh giá của TGDĐ, thị trường này sẽ mở rộng lên 20%. TGDĐ không muốn đừng ngoài cuộc chơi, tuy nhiên "cách chơi" cũng sẽ khác biệt. Cụ thể, TGDĐ sẽ không theo hướng vung tiền tặng voucher cho khách hàng bởi Công ty không tập trung vào nhóm khách hàng quan tâm về giá mà tập trung vào tính tiện lợi, như vậy mới có thể phát triển bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tài cho biết Vuivui sẽ có một kho trung tâm chứa hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh để phân phối hàng khi khách có yêu cầu. Đồng thời, đối với các mặt hàng như điện thoại, điện máy, TGDĐ cũng tận dụng các kho hàng của hai chuỗi thegioididong và DienmayXANH (kho hàng đặt tại các cửa hàng) để giao cho khách sớm nhất cũng như tận dụng được chi phí giao nhận.

Về logistics, TGDĐ sẽ sử dụng dịch vụ giao nhận bên ngoài để tham gia quá trình giao hàng. Dự kiến, TGDĐ sẽ sử dụng cộng tác viên giao hàng và có quy trình giám sát hàng hóa một cách chặt chẽ.

Tất nhiên, với TGDĐ, câu chuyện Vuivui cũng như Bách hóa Xanh đều mới là thử nghiệm, và là câu chuyện của tương lai. Tuy nhiên xin được nhắc lại quyết tâm của ông Chủ tịch HĐQT về việc từ năm 2019 đến năm 2025, sự tăng trưởng của TGDĐ kỳ vọng đến từ chuỗi Bách hóa Xanh và Vuivui.com.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài luôn nhắc về quá khứ năm 2004, khi TGDĐ mở cửa hàng đầu tiên giữa lúc thị trường điện thoại còn nhiều sơ khai, internet còn chưa phát triển. Nhưng đến nay, theo ông Tài, muốn mua điện thoại, khách hàng có thể nghĩ đến ngay thương hiệu thegioididong, tức TGDĐ đã định hình thị trường này và làm cho nó chuyên nghiệp, minh bạch, vì quyền lợi khách hàng. Ông Tài kỳ vọng Bách hóa Xanh cũng như Vuivui sẽ làm nên những kỳ tích đó; hiện tại, Điện máy Xanh cũng đang trong quá trình gây dựng thương hiệu để khách hàng biết đến.

Khổng Chiêm