|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 dấu hiệu cho thấy bạn không phù hợp với công việc văn phòng

20:52 | 25/09/2019
Chia sẻ
Công việc văn phòng nhàn hạ có thể không dành cho mọi người và nếu bạn đang gặp vấn đề tương tự, hãy kiểm tra 4 dấu hiệu dưới đây.

Rất nhiều người trong chúng ta đã đi theo một chặng đường phấn đấu điển hình và quen thuộc: nhận điểm tốt ở trường, thi đỗ vào đại học danh tiếng, kiếm một công việc lương cao và bền vững, lập gia đình và hạnh phúc.

Vấn đề là đối với nhiều người, công thức này không dẫn đến niềm vui hay nghề nghiệp hoàn hảo. Trên thực tế, đó thậm chí là một chiếc kìm sắt khiến họ ngạt thở, trầm cảm và đau đớn khi không thể hiểu bản thân mình muốn gì.

Đó có phải là trường hợp của bạn? Những dấu hiệu cho thấy bạn không phải tuýp người dành cho công việc văn phòng điển hình là gì?

Tạp chí The Muse đã liệt kê 4 đặc điểm như vậy và đừng quên lắng nghe chính bản thân mình để lựa chọn con đường sự nghiệp lâu dài.

1. Bạn cảm thấy tù túng khi ở trong văn phòng

Đôi khi, vấn đề không phải là sự bực bội hay bất mãn với công việc. Đối với một số người, công việc văn phòng truyền thống giống như một nhà tù chỉ khiến họ muốn bỏ chạy và không bao giờ quay lại.

Những gì người khác nói về công việc văn phòng là sự nhàn hạ, mát mẻ, chuyên nghiệp nhưng đó không phải là điều tốt nhất dành cho tất cả mọi người. Bạn có thể cảm thấy không còn gì giữ mình lại công ty ngoài vài mối quan hệ thân thiết. 

Chuyên gia Jenny Foss của The Muse đã mất tới 7 năm để chấp nhận sự thật rằng những gì cô khát khao là sự tự do và không gian mở.

Nếu công việc của bạn thực sự đòi hỏi bạn phải ngồi trong không gian kín và nhìn chằm chằm vào máy tính cả ngày, bạn có thể xem xét đề xuất làm việc từ xa vài ngày một tuần. 

Nếu vai trò của bạn không thực sự bắt buộc phải ngồi một chỗ mỗi ngày, hãy bắt đầu lên kế hoạch làm việc với mục tiêu được ra ngoài và đi lại với tần suất phù hợp.

Sự đơn điệu có thể triệt tiêu sự sáng tạo và tinh thần làm việc nhiệt huyết nhất. Đừng biến bản thân thành một cỗ máy và đánh mất cơ hội được lựa chọn sự nghiệp tốt nhất cho mình.

iStock_000019681599Medium

Công việc văn phòng nhàn hạ không phải công thức thành công cho tất cả mọi người. Ảnh: The Muse.

2. Bạn không thích làm việc theo giờ cố định

Tương tự như cảm giác mà một văn phòng khép kín mang lại, yêu cầu bắt buộc phải có mặt và ra về đúng giờ mỗi ngày có thể khiến bạn cảm thấy bản thân đánh mất toàn bộ cuộc sống riêng. Hậu quả tiếp theo là bạn muốn thoát khỏi sự bức bách đó.

Tất nhiên, có nhiều công việc đơn giản chỉ yêu cầu bạn làm theo ca. Nếu đây là công việc của bạn và bạn đang cảm thấy sắp phát điên mỗi buổi sáng, bạn nên nghiêm túc cân nhắc một công việc mới làm từ xa hoặc bán thời gian linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, nếu số giờ làm việc tại công ty bạn có thể được thỏa thuận và hiệu suất mới là yếu tố quan trọng nhất, có lẽ bạn nên đưa ra đề xuất với cấp quản lí về việc bạn có thể đạt được KPI như thế nào mà không tuân theo lịch trình hiện tại.

Hãy thận trọng với phương pháp này, tất nhiên. Một động thái như vậy có thể tạo nên cuộc cách mạng về giờ làm trong công ty, khiến mọi thứ trở nên lộn xộn. 

Vì vậy, nếu bạn có thể xây dựng chiến lược tốt, bạn có thể khiến mọi người lắng nghe ý tưởng của mình hoặc thậm chí tốt hơn, được phê duyệt!

3. Bảng tính và tài liệu khiến bạn phát điên

Jenny Moss chia sẻ rằng cô từng tư vấn hướng nghiệp cho một khách hàng đang gặp khó khăn với vị trí bán hàng. 

"Ban đầu, tôi khá bối rối bởi cô ấy có tất cả tố chất của một người bán hàng tuyệt vời nhưng khi chúng tôi trò chuyện lâu hơn, tôi nhận ra rằng cô ấy căm ghét tất cả các thủ tục giấy tờ và báo cáo đi kèm", Moss nói.

"Trên thực tế, cô ấy không ghét chúng. Cô ấy sợ. Do đó, mỗi khi cô ấy tới phỏng vấn với một nhà tuyển dụng, việc không thể lập các bảng tính và báo cáo khiến cô ấy mất cơ hội ứng tuyển", Moss kể thêm.

Tuy nhiên, công việc và thủ tục giấy tờ là điều tất yếu của mọi văn phòng và nỗi sợ hay sự khó chịu của bạn không khiến chúng biến mất. Dù bạn làm việc cho người khác hay cho chính mình, công việc của bạn vẫn sẽ yêu cầu một số lượng báo cáo, tài liệu nhất định. 

Vì vậy, nếu bạn thực sự bị ám ảnh bởi các bảng tính, hãy cân nhắc việc ủy thác, thuê ngoài hoặc nhận hỗ trợ về những thứ bạn đơn giản không thểm hoàn thành. Trong trường hợp bạn không hiểu biết về công nghệ hoặc công cụ, hãy học hỏi hoặc đầu tư vào khóa học mới.

Rất ít người trong chúng ta thích các bản báo cáo hay giấy tờ nhưng đó là một phần của công việc. Vì vậy, thay vì hậm hực với nó, hãy tìm cách loại bỏ nó khỏi To-do List của bạn.

4. Bạn bực bội khi bị sai bảo làm bất cứ điều gì

Không ai thích một ông chủ hống hách vô hoặc quá kiêu ngạo nhưng mọi nhân viên văn phòng thực sự có xu hướng khúm núm và không phản kháng khi đối mặt với cấp quản lí do lo ngại về lợi ích cá nhân.

Nếu bạn cảm thấy cơn giận dữ bên trong mỗi khi tham dự một cuộc họp hay làm việc trong một dự án mà bạn không nghĩ sẽ hiệu quả, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo. Nếu bạn cho rằng bạn đang bị sai khiến làm điều ngớ ngẩn cho mỗi nhiệm vụ mới, mọi thứ càng rõ ràng hơn.

Nếu bạn cảm thấy cực kỳ bực bội khi phải trả lời bất cứ ai, thì đó chính là dấu hiệu rõ ràng rằng bạn nên trở thành ông chủ của chính mình. Tuy nhiên, quyết định vội vã và nóng nảy có thể đẩy bạn vào tình huống khó khăn. 

Trước khi thực sự từ bỏ thói quen làm việc với người khác, theo lịch trình của người khác, hãy xem xét cách kiếm sống như ông chủ của chính mình.

Vì bạn chính là người quyết định...

Dù mọi người xung quanh có cố gắng thuyết phục rằng công thức thành công là công việc văn phòng chuyên nghiệp và kiếm nhiều tiền, điều đó không đúng và không dành cho tất cả chúng ta.

Nếu bạn không thuộc về số đông ngoài kia, điều đó không có nghĩa bạn là kẻ dị hợm hay vô dụng. Thay vào đó, hãy tìm những chiến lược mới, sáng tạo hoặc dũng cảm hơn để xác định lại vai trò hiện tại của bản thân và niềm hạnh phúc bạn hướng đến.

Cuộc sống quá ngắn để mắc kẹt trong một công việc hay một văn phòng khiến bạn mệt mỏi và kiệt quệ. Vì vậy, nhiệm vụ lớn nhất của bạn là tự xốc bản thân đứng dậy hoặc khám phá những cánh cửa mới cho tương lai.

Thu Phương