3 cách để chủ doanh nghiệp giữ nhân viên sau khi từ chối tăng lương
Trong một bài viết trên Entrepreneur, ông John Rampton, người sáng lập công cụ quản lí năng suất Calendar, thể hiện quan điểm về cách chủ doanh nghiệp ngăn chặn cảm giác tiêu cực của nhân viên sau khi từ chối yêu cầu tăng lương của họ.
Chủ doanh nghiệp có nhiều lý do để từ chối khi một nhân viên yêu cầu tăng lương, đặc biệt là khi doanh nghiệp đang đối mặt với khủng hoảng COVID-19. Lí do phổ biến nhất là việc đó vượt quá khả năng tài chính của công ty. Một cớ khác là nhân viên ấy chưa xứng đáng với mức lương cao hơn.
Với bất kỳ lí do nào mà người điều hành doanh nghiệp đưa ra, kết quả luôn giống nhau: Cả hai bên đều không vui.
Thông báo tin xấu chưa bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt là với những tin liên quan tới tiền. Yêu cầu "sếp" tăng lương là việc mà một số người không dám thực hiện. Vì thế, người muốn tăng lương có thể bối rối, nhưng cũng có thể nổi giận khi nhà quản lý từ chối.
Trong mọi hoàn cảnh, người quản lý phải thực hiện việc đúng đắn cho công ty. Khi cảm giác tiêu cực vẫn tồn tại trong tâm trí người muốn tăng lương, những tuần tiếp theo là khoảng thời gian quan trọng đối với mối quan hệ giữa hai bên. Nếu không xử lý khéo, rất có thể nhà quản lý sẽ nhận đơn thôi việc của người muốn tăng lương.
Nếu người muốn tăng lương có tiềm năng và chủ doanh nghiệp muốn giữ người đó, chủ doanh nghiệp nên áp dụng những biện pháp cấp bách để duy trì mối quan hệ tích cực.
Cùng nhân viên lập kế hoạch cho 12 tháng tới
Từ chối tăng lương không nên là điểm kết thúc cho một cuộc đối thoại, mà nên là sự khởi đầu cho một cuộc đối thoại mới. Chủ doanh nghiệp nên xác định chính xác những yêu cầu của nhân viên và vai trò của họ trong năm tiếp theo. Sau đó, hai bên vạch ra những kỹ năng cốt lõi và những mục tiêu mà nhân viên phải đạt để đảm nhận vai trò ấy.
Nội dung của cuộc trao đổi giữa nhà quản lý và nhân viên nên hướng về tương lai. Nhà quản lý có thể nói những câu như: "Tôi thực sự vui khi anh/chị/em nói ra mục tiêu về lương để tôi có thể nghĩ tới ý tưởng tốt hơn về vai trò của anh/chị/em trong công ty.
Ngăn cảm xúc tiêu cực của người muốn tăng lương
Đương nhiên, mỗi khi người quản lí từ chối yêu cầu tăng lương, người lao động cảm thấy bức xúc hoặc buồn.
Vì thế, sau khi đưa ra lý do để từ chối tăng lương, người quản lí nên khen ngợi họ và cố gắng để cảm xúc của họ không trở nên tệ hơn. Nếu không động viên và khen ngợi đúng lúc, nhân viên sẽ cảm thấy bối rối hoặc bức xúc.
Nâng lương là một phần trong hoạt động kinh doanh, chứ không phải quan hệ cá nhân. Nếu doanh nhân đáp ứng mọi yêu cầu của nhân viên mà không đánh giá kỹ lưỡng, họ sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề mới.
Chủ động gặp lại người muốn tăng lương sớm
Mỗi khi từ chối yêu cầu tăng lương của một nhân viên, người quản lí hoặc chủ doanh nghiệp nên chủ động hẹn gặp lại người đó trong vòng một tuần.
Nếu muốn giữ nhân viên đòi tăng lương, họ nên tổ chức cuộc họp sớm nhất có thể, để tránh nguy cơ nhân viên ấy xin thôi việc.
Trong cuộc họp, người quản lí sẽ cùng nhân viên muốn tăng lương đánh giá sự tiến bộ và khả năng làm việc của người đó. Sau đó, hai bên cùng vạch ra mục tiêu và kỳ vọng mới. Khi nhân viên cảm thấy người quản lí thực sự quan tâm tới việc giúp họ đạt những mục tiêu cao hơn, họ sẽ bỏ ý định tìm việc ở nơi khác và tập trung làm việc chăm chỉ và sáng tạo hơn để đạt vị trí mới cùng mức lương cao hơn.