27 năm điều hành Amazon của Jeff Bezos
Theo Business Insider, sau 27 năm điều hành Amazon, ông Jeff Bezos đã quyết định sẽ rời ghế CEO vào cuối năm nay. Người thay thế vị trí lãnh đạo Amazon là ông Andy Jassy, hiện đang là Giám đốc mảng kinh doanh điện toán đám mây của công ty.
Ông Bezos bắt đầu sự nghiệp của mình trong thế giới quỹ đầu cơ phòng hộ vào những năm 90, sau đó từ bỏ công việc để tự thành lập công ty khởi nghiệp của riêng mình năm 1994 mang tên Amazon.
Hành trình đặt nền móng cho Amazon
Khi quyết định rời bỏ công ty đang gắn bó để tự mình kinh doanh, ông Bezos chưa tới 30 tuổi. Ông chủ của ông khi ấy đã cố gắng thuyết phục ở lại nhưng Bezos khi đó cảm thấy thà thử khởi nghiệp và thất bại còn hơn là không bao giờ thử.
Sau này, ông đã trả lời bài phỏng vấn của Wired rằng: “Khi bạn bận tâm tới quá nhiều thứ, bạn có thể bị bối rối bởi những thứ nhỏ nhặt. Khi tôi 80 tuổi, tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ nghĩ về việc tại sao lại từ bỏ khoản tiền thưởng ở Phố Wall năm 1994 ngay trong giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, tôi biết rằng bản thân sẽ thực sự hối tiếc nếu không tham gia vào Internet, một lĩnh vực mà theo tôi là sự kiện mang tính cách mạng. Khi nghĩ theo cách đó, thật dễ dàng để đưa ra quyết định".
Và vì thế, Amazon đã ra đời, ông Bezos và vợ mình bay đến Texas để mượn xe từ bố mình, lái tới Seattle và chạy các dự án. Ông bắt đầu với trang web Amazon.com trong nhà để xe với một cái bếp lò và tổ chức hầu hết các cuộc họp của mình tại khu phố Barnes & Noble.
Ban đầu, Amazon là một nền tảng chuyên bán sách. Trong tháng đầu tiên ra mắt, Amazon đã bán sách cho các khách hàng ở 50 tiểu bang và 45 quốc gia khác nhau. Công ty tiếp tục phát triển và lên sàn giao dịch chứng khoán vào ngày 15/5/1997.
Khi sự cố dot-com xảy ra, các nhà phân tích gọi công ty là "Amazon.bomb" với hàm ý chỉ Amazon có thể giống như một quả bom nổ chậm. Nhưng công ty đã vượt qua "cơn bão" và trở thành một trong số ít các công ty khởi nghiệp không bị xóa sổ bởi sự cố phá sản lớn bậc nhất.
Amazon hiện không chỉ bán sách để cung cấp hầu hết mọi thứ khách hàng cần mà cả đồ gia dụng, quần áo, thậm chí là dịch vụ điện toán đám mây.
Trong những ngày đầu, Bezos là một ông chủ khắt khe và có thể bùng nổ với nhân viên. Có tin đồn rằng ông đã thuê hẳn một người huấn luyện lãnh đạo để giúp bản thân tiết chế.
Những chiến lược thúc đẩy Amazon
Ông Bezos được biết đến với việc cấm các bài thuyết trình PowerPoint tại Amazon. Thay vào đó, ông yêu cầu nhân viên của mình nộp các bài viết với độ dài cụ thể về các đề xuất của họ để khuyến khích tư duy phản biện qua các gạch đầu dòng đơn giản. Ông cũng tạo ra một văn hóa công ty với việc không cung cấp các phúc lợi như thức ăn hoặc mát-xa miễn phí.
Năm 1998, ông Bezos trở thành một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào Google. Ông tiếp tục đầu tư 250.000 USD để đổi lấy khoảng 3,3 triệu cổ phiếu Google khi công ty này lên sàn chứng khoán vào năm 2004. Ngày nay, số cổ phiếu đó trị giá hàng tỷ USD.
Vào tháng 8 năm 2013, Jeff Bezos mua tờ The Washington Post với giá 250 triệu USD. Tiếp đó, công ty vũ trụ Blue Origin của ông đã làm nên lịch sử vào năm 2015 khi trở thành một trong những công ty thương mại đầu tiên phóng thành công tên lửa tái sử dụng. Cùng với đó, ông cũng sở hữu hàng loạt bất động sản và tài sản trị từ vài trăm cho tới nghìn tỷ USD.
Hơn 20 năm sau khi niêm yết, Amazon có vốn hóa thị trường đạt trên 1,56 nghìn tỷ USD. Đồng thời vào tháng 7/2017, Bezos lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới, vượt qua người sáng lập Microsoft Bill Gates. Vào thời điểm đó, giá trị tài sản ròng của ông là hơn 90 tỷ USD.
Tháng 8/2017, Amazon chính thức mua lại chuỗi cửa hàng mua sắm Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD. Ảnh hưởng của Amazon ngay lập tức trở nên rõ ràng: Khách hàng là người đăng ký Amazon Prime có thể nhận được 10% giá ưu đãi và bạn sẽ thấy một số mặt hàng mang thương hiệu Amazon được cung cấp, bao gồm các sản phẩm công nghệ như dòng Amazon Echo nổi tiếng.
Vào tháng 1/2019, ông Bezos và người vợ bên cạnh suốt 25 năm của mình, bà MacKenzie Bezos, thông báo họ đã ly hôn và hoàn tất thủ tục vào tháng 4. Sau vụ ly dị, bà MacKenzie hưởng hơn 35 tỷ USD cổ phiếu Amazon, khiến bà trở thành một trong những người phụ nữ giàu có nhất thế giới.
Năm 2020, trong đợt bùng phát dịch COVID-19, Amazon nhận thấy nhu cầu tăng vọt khi nhiều người buộc phải mua sắm trực tuyến. Công ty đã tạo ra nhiều việc làm hơn và tăng lương cho người lao động, nhưng Bezos và công ty phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về an toàn của người lao động trong thời gian bùng phát dịch bệnh.
Amazon phải đối mặt với làn sóng biểu tình của công nhân và lo ngại về chống độc quyền. Ông Bezos và các CEO của các công ty công nghệ lớn khác tham gia phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào cuối tháng 7/2020.
Sau cái chết của George Floyd và các cuộc biểu tình sau đó, Bezos đã thẳng thắn về việc ủng hộ phong trào Black Lives Matter, công khai lăng mạ những khách hàng đã gửi email phân biệt chủng tộc về sự ủng hộ của ông và Amazon.
Trong những tuần gần đây, ông Bezos và CEO của SpaceX, Elon Musk, đồng thời chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng đột biến, thay phiên nhau giành vị trí người giàu nhất thế giới. Hiện tại, ông Bezos đang sở hữu 197 tỷ USD.