|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

24% sàn TMĐT từng có tranh chấp với bên mua hoặc bên bán, chủ yếu giải quyết bằng thương lượng

10:11 | 05/05/2021
Chia sẻ
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, số lượng tranh chấp phát sinh có xu hướng gia tăng. Mặc dù cơ chế xử lý tranh chấp được thiết lập trực tiếp trong các sàn thương mại điện tử, song nhiều người cho rằng cơ chế này có thể chưa đủ hữu hiệu để xử lý tranh chấp phức tạp giữa các bên.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại hội thảo “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng” diễn ra ngày 4/5 tại TP HCM cho biết, có 24,4% doanh nghiệp ghi nhận từng có tranh chấp với người mua, bên bán hoặc cả hai trong thời gian qua. 

Trong đó, xu hướng tranh chấp ở môi trường giao thương trực tuyến ngày càng nhiều. Nguyên nhân là vì nhiều người bán hàng đã lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, cho rằng: "Số vụ tranh chấp đang gia tăng trong những năm gần đây, liên quan đến những vụ mua bán và tranh chấp dịch vụ".

Trong đó, người dùng thường bị rơi vào các trường hợp như người bán hàng cung cấp thông tin về sản phẩm không đầy đủ, không chính xác về thành phần; không thực hiện trách nhiệm cung cấp hoá đơn, chứng từ giao dịch; vi phạm trách nhiệm về bảo hành, giao, nhận, đổi, trả hàng hóa; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; huỷ đơn hàng không có lý do...

Theo khảo sát, thương lượng vẫn là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến nhất (57,8%), theo sau là toà án (46,8%), hòa giải (22,8%) và trọng tài (16,9%). Nguyên nhân thời gian để giải quyết tranh chấp đa dạng. Theo đó, 5,65% hoàn tất dưới 1 tháng; 27,17% từ 1-3 tháng; 15,22% từ 3-6 tháng.

Tuy vậy, theo ông Dương, những phương thức giải quyết tranh chấp trên là chưa đủ và chưa thích hợp với sự bùng nổ của thương mại điện tử do tốn kém, tốn thời gian.

“Vì vậy, có thể cân nhắc tới việc áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) nhằm tiết kiệm được nhiều chi phí và tiền bạc cho doanh nghiệp khách hàng”, ông Dương đề xuất.

Chỉ 25% doanh nghiệp biết đến giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng” diễn ra ngày 4/5 tại TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh)

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chỉ 25% các doanh nghiệp được khảo sát đã từng nghe đến ODR, trong đó doanh nghiệp chủ yếu biết đến qua truyền thông (53%), mạng xã hội (42%), đào tạo/hội nghị (30%).

Trong khi đó, 32,2% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng ODR có thể áp dụng tại Việt Nam. 74% có nhu cầu đào tạo về ODR, và 69% doanh nghiệp đề xuất các khóa đào tạo dưới 3 ngày.

"Dù hệ thống ODR được coi là sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp, khả thi về kinh tế, hiệu quả, nhanh chóng, linh hoạt... nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp biết đến", ông Nguyễn Anh Dương nhìn nhận.

Đánh giá về ODR, bà Nguyễn Thị Phương Trang, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết phương thức giải quyết ODR thông qua nền tảng số đây là phương thức rất mới tại Việt Nam, nhưng không phải mới trên thế giới.

Theo bà Phương Trang, nền tảng ODR đem lại rất nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi vì thông qua nền tảng này doanh nghiệpngười tiêu dùng được kết nối với nhau và có thể giải quyết thông qua phương thức thỏa thuận với nhau. 

Ngoài việc giải quyết tranh chấp tại thời điểm đó giữa doanh nghiệpngười tiêu dùng, có thể mang lại nhiều kinh nghiệm cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm dịch vụ của mình trong tương lai. 

Còn đối với người tiêu dùng thông qua giải quyết tranh chấp này biết được địa điểm mục tiêu cần hướng tới khi gặp phải tranh chấp, điểm không hài lòng trong mua bán trực tuyến của mình. 

Đây sẽ là một xu hướng thúc đẩy trong thời gian tới cho cả ASEAN và Việt Nam để có những sáng kiến, hoạt động để xây dựng nền tảng, xây dựng cơ chế ODR liên quan đến nền tảng trực tuyến.

Do đó, nhóm nghiên cứu CIEM đề xuất trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các điều kiện để phổ biến ODR và ứng dụng ODR hữu hiệu hơn trong cả hoạt động thương mại điện tử và thương mại truyền thống.

Luật sư Châu Việt Bắc cũng cho rằng Luật Giao dịch điện tử đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn thiện. Nhưng nhà làm luật chưa nhìn thấy những xu hướng áp dụng công nghệ trong việc giải quyết các tranh chấp trực tuyến nên cần tiếp tục bổ sung.

Trong khi đó, các ý kiến tại hội thảo cho rằng cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức và triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các chính sách và điều kiện để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam được coi là điều kiện không thể thiếu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện hạ tầng kinh tế và pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

Như Huỳnh