Sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam-EU dự kiến ra mắt vào cuối năm 2021
Chiều 26/3, tại Hà Nội, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chính thức ký hợp tác, ra mắt chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử.
Sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam-EU (Vefta) là đề án trọng điểm với quy mô quốc gia được thực hiện nhằm xây dựng sàn giao dịch giữa các doanh nghiệp (B2B Marketplace), kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu.
Sàn có khả năng đấu nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử sẵn có của các tỉnh, các ngành hàng. Xây dựng một cơ sở dữ liệu Quốc gia về hồ sơ năng lực, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ thông tin sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp Việt.
Sàn đồng thời là cổng cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng như các đối tác quốc tế về các hiệp định thương mại, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại Quốc tế.
Xây dựng một hệ sinh thái số hoàn thiện thông qua các giải pháp số giúp cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất (Thanh toán số, logistics, Hóa đơn điện tử, Chữ ký số,..)
Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng VIDEM cho biết: "Nếu thuận lợi, dự kiến cuối năm 2021 phiên bản đầu tiên của sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam-EU được ra mắt"
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng Thương cho biết thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt quy mô hơn 11 tỉ USD, Người dân có thể mua sắm hầu hết mọi thứ mà không cần tới siêu thị.
Vì vậy dựa trên những thành quả to lớn của công nghệ Việt Nam cũng hoàn toàn có thể xây dựng các giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, Tạo ra những đốt phá trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế, như thị trường EU, …
“Gần đây chúng ta đều biết câu chuyện về Alibaba, hay Amazon mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hay thậm chí cả các hộ kinh doanh cá thể xuất khẩu sản phẩm do chính tay họ làm ra, điều mà trước đây họ chưa từng dám nghĩ tới trước đây”, Thứ trưởng cho biết.
EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.
“Tôi kỳ vọng sẽ là bước đầu tiên trong lộ trình tạo ra những Giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, lấy công nghệ làm cốt lỗi để hỗ trợ công động doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể nâng cao năng lực, tăng thêm những cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, để tận dụng tối đa những cơ hội do hiệp định thương mại mang lại", Thứ trưởng nhận định.
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng cần tập trung mọi nguồn lực để duy trì phát triển hệ thống, con người, trang thiết bị, yếu tố bảo mật.
Điều này không những tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam được đi ra quốc tế mà còn bảo vệ được họ khỏi những nguy cơ thách thức tiềm tàng khi đưa sàn thương mại điện tử vận hành chính thức.