|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều dư địa xuất khẩu đồ nội thất gỗ sang Pháp nhờ EVFTA

14:43 | 26/03/2021
Chia sẻ
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất lớn thứ 10 cho Pháp, tỷ trọng chỉ chiếm 3,2% tổng lượng nhập khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết Pháp nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong năm 2020 đạt 1,08 triệu tấn, trị giá 3,15 tỷ Eur (tương đương 3,75 tỷ USD), giảm 6,8% về lượng và giảm gần 7% về trị giá so với năm 2019. 

Theo Trung tâm nghiên cứu Công nghiệp Ý (CSIL), Pháp đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực đồ nội thất ở cả Châu Âu và trên toàn thế giới. 

Pháp là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 châu Âu và thứ 3 trên thế giới. Thị trường Pháp ngày càng tăng nhập khẩu đồ nội thất với lượng nhập khẩu chiếm 60% lượng tiêu thụ.

Pháp luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khối Liên minh EU. Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh EU (EU27). 

Với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 10 cho Pháp, tỷ trọng chỉ chiếm 3,2% tổng lượng nhập khẩu, còn rất thấp so với nhu cầu nhập khẩu tại thị trường này. 

Đáng chú ý, do tác động của dịch COVID-19 tỷ lệ thất nghiệp của Pháp tăng cao trong năm 2020, khiến sức mua của người tiêu dùng suy giảm nên nhu cầu đối với hàng hóa giá rẻ tăng mạnh. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu đây là phân khúc Việt Nam có giá cả cạnh tranh nhờ các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại giữa EU và Việt Nam (EVFTA). Cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mặt hàng này nhanh chóng nghiên cứu, chuẩn bị chiến lược tiếp cận thị trường một cách hiệu quả.

Nhiều dư địa xuất khẩu đồ nội thất gỗ sang Pháp nhờ EVFTA - Ảnh 1.

Thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho Pháp trong năm 2020. Thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho Pháp trong năm 2020/Bộ Công Thương.

Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (mã HS 940360), ghế khung gỗ (mã HS 940161 + 940169) là hai mặt hàng chính trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ Pháp nhập khẩu trong năm 2020. 

Trong đó, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn nhập khẩu có tốc độ giảm thấp nhất, với tỷ trọng chiếm 45,9% tổng lượng nhập khẩu, tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm 2019. 

Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn lớn nhất cho Pháp, tiếp theo là Ba Lan, Italy, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Việt Nam… 

Ghế khung gỗ nhập khẩu đạt 200 nghìn tấn, trị giá 947,4 triệu Eur (tương đương 1,13 tỷ USD), giảm 10,3% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với năm 2019. Tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này chiếm 18,5% tổng lượng nhập khẩu, giảm 0,7 điểm phần trăm so với năm 2019. 

Việt Nam là thị trường cung cấp ghế khung gỗ lớn thứ 5 cho Pháp sau Trung Quốc, Italy, Rumania và Ba Lan. Tuy nhiên, lượng và trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ từ Việt Nam đều giảm trong năm 2020.

Như Huỳnh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.